Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngày một tăng, 5 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Cụ thể, trong số hơn 1,4 tỷ USD đem lại từ xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Việt Nam, có đến 1,1 tỷ USD là từ thị trường Trung Quốc, các thị trường khác như: Hàn Quốc chỉ đạt 40 triệu USD, Mỹ đạt 44 triệu USD và Nhật Bản đạt 43 triệu USD kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Mùa vải thiều đang vào chính vụ, thị trường Trung Quốc vẫn là điểm đến lớn, trong khi đó các thị trường khác như Nhật Bản, Úc, Mỹ và ASEAN kênh xuất khẩu vẫn hạn chế |
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam không tăng, vẫn giữ nguyên ở mức 1,4 tỷ USD, song xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã lấn lướt nhiều thị trường khác, mức tăng rất nhanh từ 700 triệu USD lên 1,1 tỷ USD (tăng gần 60% so với cùng kỳ trước).
Ngoài thị trường Trung Quốc đang chiếm 80% lượng tiêu thụ rau quả của Việt Nam, các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoa quả Việt vẫn rất chật vật tìm đường chinh phục. Bằng chứng là 5 tháng năm 2016, thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xuất khẩu rau quả của Việt Nam lần lượt chỉ đạt từ 30 - 35 triệu USD/mỗi thị trường, cùng kỳ năm nay ba thị trường trên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam mới chỉ nhích tăng lên từ 40 triệu USD đến 44 triệu USD, mức độ chỉ vài triệu USD.
Xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhưng không vui bởi giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp, gần 3/4 mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường này là theo đường tiểu ngạch. Trong khi đó, bài toán được mùa mất giá lặp đi lặp lại, nhiều cuộc giải cứu đã diễn ra nhưng năm nào cũng tình trạng này cũng được tái diễn do thương nhân Trung Quốc phá giá.
Điều đáng lo hiện nay là nhiều loại hoa quả Việt Nam đang vào chính vụ thu hoạch, tại các địa phương miền Bắc, vụ vải thiều đang cận kề, nhãn lồng và xoài cũng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Tại các địa phương phía nam, lúc này là chính vụ của nhiều loại hoa quả như: dưa hấu, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, và măng cụt...
Theo một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vải từ Bắc Giang, thị trường tiêu dùng và người tiêu dùng Trung Quốc rất quan tâm đến các loại trái cây Việt Nam, giá bán tại thị trường này thực tế cao hơn so với trong nước khá nhiều, ngoài ra các quy định về bao bì, nhãn mác và an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn trước đây nên DN và người trồng trái cây Việt cần nâng cao chất lượng và chủ động thâm nhập thay vì giao cho thương lái Trung Quốc mua gom đầu mối.
Các DN cho rằng, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc mỗi năm chỉ có 1 lần và cường độ xuất đơn hàng rất cao do vải chín rộ. Vì vậy, ngoài mùa vải DN khó xuất khẩu các mặt hàng khác vì nguồn cung không có. Kinh doanh theo mùa vụ nên DN không có sự chuyên nghiệp trong các quy trình thương mại quốc tế, phụ thuộc chính vào thương lái Trung Quốc, nên làm ảnh hưởng lớn đến giá thu mua vải.
"Mẫu hàng xuất khẩu vải tươi của Việt Nam sang Trung Quốc vào các siêu thị có giá trung bình khoảng 85.000 - 130.000 đồng/kg, (cá biệt có thời điểm lên 300.000 đồng/kg), giá trung bình đắt gấp từ 2 - 4 lần thời điểm giá vải đắt nhất là 45.000 đồng/kg (bán buôn đầu vào), mỗi tấn vải loại 1 được nhập bán vào siêu thị, DN Việt lãi gấp 2 đến 3 lần so với bán buôn cho đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, các siêu thị tại Trung Quốc cũng đòi hỏi quy trình sản xuất sạch, độ đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Vũ Văn Hà, Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều tại Bắc Giang cho hay.
Thực tế, hiện nhiều thông tin thị trường hoa quả, nông sản Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn, song DN Việt Nam chủ yếu xuất theo kiểu mùa nào thức ấy. Số DN làm đầu mối cung cấp đơn hàng trực tiếp cho các DN bán lẻ Trung Quốc rất hiếm. Trong khi đó, cũng cùng chủng loại nhưng chuối, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... của Thái Lan rất được người tiêu dùng Trung Quốc thích thú ở các siêu thị, kênh bán lẻ. Các mặt hàng này cũng cạnh tranh trực tiếp với các loại hoa quả cao cấp của Úc, New Zealand và Hàn Quốc ở Trung Quốc.
An Linh / dantri