Lễ hội Cầu ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống của các làng chài ven biển Phú Yên, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, di sản văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư miền biển.
41 đại diện Ban quản lý lăng Ông các địa phương ven biển trong tỉnh Phú Yên nhận chứng nhận Bằng di sản
UBND tỉnh Phú Yên đã vinh dự đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Lễ hội Cầu ngư”. Đây là Lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông đã có từ thời xa xưa. “Ông” là tên gọi tôn kính của bà con ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá được ngư dân tin rằng đã giúp con người vượt qua nguy hiểm khi không may gặp nạn trên biển.
Tín ngưỡng thờ cá Ông và Lễ hội Cầu ngư gắn liền với loại hình nghệ thuật kiến trúc truyền thống là lăng Ông. Hầu hết các làng chài ven biển đều có lăng thờ cá Ông với thần hiệu là “Đông hải đại vương” hoặc “Đông hải cự tộc ngọc lân tôn thần”. Nhiều lăng Ông có sắc phong thần của các vua chúa thời phong kiến.
Lễ hội Cầu ngư không có ngày thống nhất chung, mà mỗi nơi tùy thuộc vào ngày cá Ông đầu tiên lụy hoặc ngày lạch cùng bà con trong làng định ngày mở lễ hội. Lễ hội Cầu ngư thường được tổ chức ít nhất 2 ngày, với các nghi lễ rước Ông Sanh và lễ Khai tiên. Quy mô tổ chức lễ hội tùy thuộc vào khả năng của từng nơi, vì mọi chi phí đều do bà con tự nguyện đóng góp.
Một nét đặc sắc khác của Lễ hội Cầu ngư là các hoạt động diễn xướng dân gian trong lễ hội đó là: hát bả trạo, hát tuồng, hoạt động trò chơi dân gian.
Đón nhận vinh dự này, ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Lễ hội Cầu ngư góp phần bảo tồn, phát huy tinh thần cố kết cộng đồng; giúp ngư dân vững vàng vươn khơi, bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Lễ hội này rất cần được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống để lễ hội có thể trở thành ngày hội văn hóa dân gian miền biển, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội”- ông Phùng nhấn mạnh.
Hà Minh / baodautu