Phú Yên sẽ được xây dựng một hệ thống đánh giá điểm tín dụng cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nhằm có căn cứ cấp các khoản vay nhanh chóng 24/7.
Quang cảnh buổi ký biên bản ghi nhớ giữa Phú Yên và Bộ Thông tin & Truyền thông. Ảnh: Hải Đăng
UBND tỉnh Phú Yên và Bộ TT&TT hôm 22/8 ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông. Trong sự kiện này, Phú Yên cũng ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cho phép thử nghiệm mô hình tính điểm tín dụng cho người dân trong tỉnh nhằm triển khai tính năng cho vay nhanh.
Theo đề xuất của ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, ngân hàng này sẽ xây dựng hệ thống đánh giá điểm tín dụng của người dân ở Phú Yên, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Sau khi đã có điểm tín dụng, người dân có thể vay nhanh ngân hàng bất kể thời gian nào thông qua ứng dụng, không cần đến ngân hàng.
Việc đánh giá điểm tín dụng hiện đã được các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam triển khai rộng rãi nhưng chưa có ngân hàng nào thực hiện việc này. Thông thường để vay ngân hàng, khách cần chứng minh tài chính hoặc công việc làm ổn định, điều này gây rào cản cho một bộ phận như sinh viên, tiểu thương cần vay tiền. Do đó, các công ty Fintech xây dựng một hệ thống đánh giá điểm tín dụng của người dùng dựa trên số điện thoại, chứng minh thư nhân dân mà họ cung cấp, sau đó cung cấp ngay một khoản vay rất nhanh, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Mô hình cho vay nhanh này đáp ứng nhu cầu cần vay một khoản tiền nhỏ để tiêu dùng của một bộ phận lớn người dân. Thay vì phải vay nóng của “xã hội đen”, người dùng có thể đàng hoàng vay qua ứng dụng của một công ty khởi nghiệp lớn.
Bộ trưởng Bộ TT&TT thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng triển khai mô hình cho vay nhanh tại Phú Yên sẽ giúp hạn chế tín dụng đen, vốn gây ra nhiều hệ luỵ cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý. Bộ trưởng cho biết Phú Yên sẽ là tỉnh đầu tiên thử nghiệm mô hình đó với ngân hàng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: Hải Đăng
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có lợi thế về độ phủ, nơi nào có bưu điện nơi đó có ngân hàng, do đó dễ tiếp cận đến người dân vùng sâu, vùng xa, vốn gặp khó khăn trong việc vay ngân hàng.
Ông Thắng cho biết sẽ hợp tác thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Phú Yên. Xây dựng một hệ sinh thái để người dân có thể thanh toán điện nước, y tế, giáo dục, trả lương qua tài khoản,... nhằm thúc đẩy nền kinh tế số và thanh toán không tiền mặt tại tỉnh này.
Nhiều doanh nghiệp hợp tác xây dựng chuyển đổi số cho Phú Yên
Theo bản ghi nhớ giữa Phú Yên và Bộ TT&TT, Bộ sẽ giúp đỡ tỉnh trong việc kết nối với nguồn dữ liệu quốc gia trong sử dụng chung dữ liệu, giúp tỉnh phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, hướng dẫn triển khai quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, hỗ trợ an toàn thông tin,...
Ngay tại buổi họp, ngoài việc thúc đẩy hợp tác giữa Phú Yên với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị các doanh nghiệp, lãnh đạo các cục của Bộ hỗ trợ Phú Yên.
Đầu tiên, do Phú Yên chưa có một trung tâm quản lý điều hành an toàn thông tin nên Bộ trưởng đề nghị Bkav xây dựng một hệ thống ban đầu cho tỉnh, nhằm tăng cường an toàn an ninh thông tin.
Sau đó, Bộ trưởng đề nghị MISA thêm chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ cơ sở tại các huyện, xã ở Phú Yên. MISA là công ty phần mềm chuyên về kế toán, tiếp cận được hơn 90% xã ở trên toàn quốc, do đó ngoài việc đào tạo sử dụng sản phẩm của công ty, Bộ trưởng đề nghị MISA bổ sung thêm một phần đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ khi về các xã. Trước đề nghị này của Bộ TT&TT, ông Lữ Hồng Chương, Phó chủ tịch HĐQT MISA cho biết MISA sẽ thực hiện chương trình này.
Đánh giá hệ thống loa phường, xã là công cụ truyền thông hiệu quả, Bộ trưởng cũng đề xuất MobiFone hợp tác xây dựng hệ thống loa không dây cho Phú Yên. Hệ thống loa không dây giúp việc bảo trì và lắp đặt dễ dàng hơn so với loa truyền thống.
Phát biểu kết luận buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Phú Yên gia tăng tỷ lệ sở hữu điện thoại di động của người dân, do tỷ lệ hiện nay 55% là thấp so với trung bình của cả nước. Bộ trưởng dẫn nghiên cứu cho biết tỷ lệ sở hữu smartphone của người dân tăng sẽ kéo theo GDP tăng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị mỗi nhà trong tỉnh cần có một kết nối Internet cáp quang. “Người dân không có smartphone, không có kết nối Internet tốt thì Chính phủ điện tử cũng vô dụng”, Bộ trưởng phát biểu.
Theo Hải Đăng
ICTNews