Tuyến đường phục vụ du lịch Đà Lạt - Trại Mát sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam cho các nhà đầu tư thuê khai thác trong vòng 18 năm.
Có khá nhiều thay đổi trong đề xuất Dự án thí điểm cho thuê kết cấu hạ tầng đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát theo hình thức PPP, loại hợp đồng kinh doanh quản lý (O&M) vừa được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt gần đây.
Cụ thể, trong Tờ trình số 1567/TTr - CĐSVN của Cục Đường sắt Việt Nam, thời gian cho thuê tuyến đường sắt này chỉ còn 18 năm, thay vì kéo dài tới 30 năm như đề xuất sơ khởi hồi cuối năm 2015. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư Dự án cũng được điều chỉnh từ 110 tỷ đồng lên hơn 198 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay và chi phí giải phóng mặt bằng).
Tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát đang được khai thác phục vụ khách du lịch thăm quan chùa Linh Ứng và các khu vực lân cận. Ảnh: Đức Hạnh
Tuyến Đà Lạt - Trại Mát dài 6,7 km thuộc tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, được xây dựng từ năm 1932, nhưng do chiến tranh, đoạn đường này bị bỏ hoang từ năm 1972. Đến năm 1991, ngành đường sắt mới khôi phục lại và đưa vào khai thác đoạn Trại Mát - Đà Lạt phục vụ khách du lịch thăm quan chùa Linh Ứng và các khu vực lân cận.
Do lưu lượng khách ít, hệ thống hạ tầng xuống cấp, nên việc duy trì tuyến đường sắt này đang là gánh nặng cho ngành đường sắt. Hiện tuyến có 3 đầu máy, trong đó có 1 đầu máy hơi nước, 4 toa để chở du khách với công suất 6 chuyến/ngày, giá vé là 20.000 đồng/người.
Theo thống kê của đơn vị đang khai thác tuyến là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu khai thác bình quân trong 3 năm gần đây là 2,981 tỷ đồng/năm, trong khi chi phí duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng (do Nhà nước bỏ ra) là 1,27 tỷ đồng; chi phí sản xuất - kinh doanh cho hệ vận tải là 2,691 tỷ đồng/năm; lệ phí cơ sở hạ tầng là 0,28 tỷ đồng/năm.
“Tính trung bình, mỗi năm, Nhà nước đã phải bù lỗ cho việc khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát 983 triệu đồng. Con số này sẽ còn tăng lên do hạ tầng ngày một xuống cấp, lượng khách có xu hướng giảm”, ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.
Trước đó, vào tháng 11/2015, Cục Đường sắt Việt Nam từng đề xuất, việc cho thuê kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn I, nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì tuyến đường. Sau khi nâng cấp, tuyến đường sắt khổ 1 m này sẽ vận hành đoàn tàu chạy bằng diezel, tốc độ 15 km/h phục vụ hoạt động du lịch
Trong giai đoạn II, trên cơ sở đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát hiện có, nhà đầu tư sẽ đề xuất các giải pháp đầu tư đồng bộ kết hợp giữa vận tải đường sắt với phát triển du lịch và các dịch vụ tiện ích dọc hành lang tuyến nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.
Khi hết thời hạn, nhà đầu tư bàn giao nguyên trạng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sẽ hoàn vốn bằng việc kinh doanh vận tải đường sắt, khai thác quỹ đất không liên quan trực tiếp đến chạy tàu và dịch vụ du lịch.
“Việc huy động nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư để đầu tư nâng cấp hạ tầng và đoàn tàu phục vụ khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của tuyến đường tại thành phố du lịch Đà Lạt là rất cần thiết”, ông Duy kiến nghị.
Được biết, liên danh Công ty Vận tải Đông Dương - Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn đang nắm nhiều lợi thế trong cuộc đua giành Dự án O&M đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt. Là đơn vị đang trực tiếp khai thác tuyến, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, ngoài lợi thế kinh nghiệm vận hành, còn sở hữu 9 biệt thự tại số 1 Quang Trung, TP. Đà Lạt, nằm liền kề ga Đà Lạt, có thể phát triển thành một quần thể du lịch khép kín. Trong khi đó, Công ty Vận tải Đông Dương là nhà đầu tư khá nổi trong lĩnh vực đường sắt với các dự án như: đoàn tàu chất lượng cao Fansipan Express, đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng.
Liên danh Công ty Vận tải Đông Dương và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng, đầu máy hơi nước; mua sắm các toa xe giả cổ chất lượng cao; phục hồi nguyên trạng 9 biệt thự phục vụ lưu trú…, nhằm biến tuyến đường sắt thành cung đường du lịch, kết hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp tại TP. Đà Lạt.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, do có nhiều nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia Dự án, nên Cục Đường sắt Việt Nam sẽ cân nhắc áp dụng hình thức đấu thầu để lựa chọn các nhà đầu tư nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch.
Anh Minh / baodautu.vn