Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, nhưng lượng đơn đặt hàng xuất khẩu lại tăng nhanh hơn tháng trước. Ảnh minh hoạ: TL TBKTSG.
Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 2-2016 đã tăng trưởng chậm lại, theo báo cáo chỉ số PMI được Nikkei công bố hôm 1-3.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam của Nikkei – một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất của Việt Nam - chỉ đạt 50,3 điểm trong tháng 2-2016, giảm so với mức 51,5 điểm của tháng trước, nhưng vẫn nằm trên ngưỡng không thay đổi (mức 50 điểm). Theo đó, sức khỏe lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện trong ba tháng liên tiếp, nhưng mức độ cải thiện vào tháng 2-2016 là yếu nhất trong quãng thời gian này.
Sản lượng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp mặc dù chỉ tăng nhẹ và với tốc độ chậm hơn so với tháng trước đó. Việc tăng chậm lại này đã khiến tồn kho hàng thành phẩm của doanh nghiệp giảm vì các công ty sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Hàng tồn kho sau sản xuất hiện giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 2-2014.
Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 2-2016 cũng tăng chậm hơn. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn tháng trước. Tình hình việc làm trong tháng 2-2016 gần như không thay đổi so với tháng trước. Một số công ty tuyển thêm người để đáp ứng tăng trưởng sản xuất, trong khi một số công ty khác lại giảm việc làm. Mức độ việc làm đã tăng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.
Giá cả đầu vào trong tháng 2 giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng qua chủ yếu do giá dầu giảm, theo đó, giá cả đầu vào đã liên tiếp giảm trong 8 tháng qua. Lĩnh vực hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản đều có giá đầu vào giảm. Trước việc chi phí đầu vào giảm và nhu cầu khách hàng còn yếu, các nhà sản xuất cũng đã hạ giá bán sản phẩm.
Được dẫn lời trong báo cáo, ông Andrew Harker tại Markit (công ty thu thập kết quả khảo sát PMI) cho biết, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2-2016 yếu đi khi nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu yếu đã ảnh hưởng đến nỗ lực duy trì đà tăng trưởng có được từ đầu năm. Một số công ty đã muốn sử dụng hết hàng tồn kho hiện hữu hơn là mua hàng mới hay sản xuất.
Chỉ số PMI được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp. Chỉ số này là một chỉ số tổng hợp dựa trên năm chỉ số riêng lẻ, là đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng mua. Một chỉ số đạt mức hơn 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể của ngành, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.
Theo T. Thu / thesaigontimes.vn