Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei đã tăng từ 52,2 điểm của tháng trước lên 52,9 điểm trong tháng 9.
Ảnh minh họa.
Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện vào cuối quý III/2016 với tất cả số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng và hoạt động mua hàng đều tăng nhanh hơn so với tháng 8.
Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm trong lĩnh vực này đã nhanh hơn và trở thành mức nhanh nhất trong thời kỳ gian năm năm rưỡi.
Về khía cạnh giá cả, chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh, trong khi giá cả đầu ra đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5.
Kết quả này báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất, là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 5/2015. Các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt mười tháng qua.
Trong tháng 9, tốc độ tăng sản lượng ngành sản xuất đã nhanh hơn thành mức cao của ba tháng và là mức tăng mạnh. Sản lượng cao hơn phản ánh số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ mười liên tiếp, với tốc độ tăng nhanh hơn so với tháng 8. Lượng công việc mới tăng đã khuyến khích các công ty tuyển thêm nhân viên trong tháng 9. Tốc độ tạo việc làm là mạnh và nhanh nhất trong thời gian năm năm rưỡi.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã mạnh hơn một chút trong tháng 9 và gần như ngang bằng với mức trung bình của lịch sử chỉ số.
Giá cả đầu ra đã tăng lần đầu tiên trong bốn tháng khi các nhà sản xuất cố gắng chuyển giao gánh nặng chi phí sang cho khách hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá cũng chỉ là nhỏ.
"Con số đáng chú ý trong khảo sát PMI của Việt Nam gần đây nhất là mức tăng việc làm nhanh nhất trong năm năm rưỡi khi các công ty phải đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng liên tục. Lượng hàng tồn kho tăng cũng được nhắc đến, và một số người trả lời khảo sát cho rằng nguyên nhân là do các công ty muốn tăng dự trữ hàng hóa. Tất cả những điều này cho thấy mức độ lạc quan của các nhà sản xuất sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong tương lai gần”, ông Andrew Harker, chuyên gia tại IHS Markit, nhận xét.
Theo ông, với mức tăng trưởng mạnh trong suốt quý III, lĩnh vực sản xuất chắc chắn sẽ giúp tạo động lực tăng trưởng GDP trong năm 2016. IHS Market hiện dự báo GDP tăng 5,9% trong năm 2016.
Thảo Mai / BizLIVE