Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ, sàn HoSE) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tháng đầu năm tốt đẹp, nhưng đằng sau đó vẫn còn những băn khoăn về giá trị mà doanh nghiệp tạo ra.
Sự tăng trưởng liên tục của doanh thu, lợi nhuận phần nào cho thấy sức mạnh của PNJ đang ngày càng được củng cố.
Kinh doanh theo đà đi lên
Tháng 1/2020, PNJ đạt doanh thu thuần 1.668 tỷ đồng (tăng 0,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 167 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ).
Doanh thu kênh bán lẻ của doanh nghiệp vàng bạc này có vẻ đang vào đà với tốc độ tăng 16,5% so với tháng 1/2019 và tương đương tháng 12/2019 (tháng có mức doanh thu cao nhất trong năm 2019). Với tốc độ bứt phá này, tỷ trọng đóng góp của kênh bán lẻ trong tổng doanh thu tăng từ 57% lên 65,4%. Trong khi đó, doanh thu cửa hàng mới cũng tăng 40% trong tháng 1/2020, nhờ sức hút của mùa mua sắm cuối năm. Biên lợi nhuận gộp trong tháng này đạt 23,4%, so với mức 22% của cùng kỳ năm ngoái và 20,4% của cả năm 2019.
Những con số mở màn mùa kinh doanh năm 2020 thuận lợi như trên đã góp phần kéo dài thành công của “đại gia” ngành vàng bạc này sau một mùa thu hoạch không tồi năm 2019.
Trước đó, trong quý IV/2019, PNJ đạt doanh thu thuần hơn 5.321 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Một trong những lý do giúp doanh thu tăng trưởng thần tốc được ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cho biết là nhờ hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) vận hành ổn định, hàng hóa được điều phối đầy đủ và kịp thời.
Lằn ranh của cuộc chơi tài sản
Sự tăng trưởng liên tục của doanh thu, lợi nhuận phần nào cho thấy sức mạnh của PNJ đang ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, kết quả này, ngoài việc đến từ những thành quả trong quản trị và các hoạt động kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng, còn có cả “lộc trời” từ sự lên giá của tài sản.
Theo báo cáo tài chính của PNJ, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tiếp tục tăng thêm với giá trị rất lớn, tới 7.018,7 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 42,3% so với đầu năm.
Giá trị hàng tồn kho tăng thêm có thể đến từ nhiều lý do khác nhau, như Công ty tiếp tục gia tăng tích lũy nguyên liệu đầu vào nhiều hơn, hoặc giá vàng tăng khiến giá trị nguyên liệu vàng trong kho của PNJ cũng tăng thêm, cho dù số lượng không thay đổi nhiều. Ngoài ra, một lý do nữa là doanh nghiệp có thể gia tăng đầu tư chế tác và hàng tồn kho được thay đổi từ vàng nguyên liệu sang vàng thành phẩm, khiến giá trị hàng tồn kho được định giá cao hơn.
Nhìn vào cơ cấu hàng tồn kho của PNJ, có thể thấy, hàng tồn kho là nguyên liệu của công ty này tăng khá mạnh, từ 88 tỷ đồng vào đầu năm 2019 lên 393 tỷ đồng vào cuối năm đó. Sự tăng mạnh của nguyên liệu cho thấy, Công ty có xu hướng tích trữ nguyên liệu nhiều hơn. Tuy nhiên, việc này tỏ ra hợp lý trong bối cảnh nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng rất mạnh. Theo đó, hàng tồn kho là thành phẩm tăng từ 397 tỷ đồng vào đầu năm, lên tới 4.292 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Trong khi đó, quy mô của nhóm hàng mua vào rồi chờ bán ra (không tham gia quá trình sản xuất làm gia tăng giá trị) có xu hướng giảm hơn trong năm 2019. Cụ thể, hàng tồn kho là hàng hóa đã giảm từ 3.165 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2019, xuống còn 2.010 tỷ đồng vào cuối năm.
Mặc dù thành phẩm có xu hướng tăng, trong khi hàng hóa giảm thể hiện sự gia tăng sản xuất tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nhiều hơn, nhưng trong bối cảnh giá vàng tăng, doanh nghiệp vẫn có thể tình cờ hưởng “lộc trời”, bởi thành phẩm khi đưa ra thị trường cũng vẫn được bán theo giá thị trường. Với trường hợp của PNJ, giá vàng tăng có thể giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty tăng lên một cách ngẫu nhiên.