Bên cạnh sự phát triển của cảng biển là sự hình thành của hàng loạt cảng cạn (ICD), bao gồm kho bãi sâu trong nội địa, nơi thông quan, tập kết, trung chuyển hàng hóa... Dù vậy, hệ thống cảng cạn hiện nay vẫn chưa có sự quản lý chuyên ngành của một cơ quan cụ thể.
Ảnh minh họa
Xu hướng vận tải hàng hóa bằng container tại Việt Nam ngày càng phát triển. Do đó, việc hình thành cảng cạn là tất yếu. Đây cũng là phương án đầu tư sinh lời hấp dẫn.
Hiện tại, cảng cạn tại Việt Nam chủ yếu được xây dựng, mở rộng theo nhu cầu tự phát của từng địa phương hoặc từng doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng manh mún, đầu tư hạ tầng cơ sở không đồng bộ. Ngoài ra, trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng, không đầy đủ hoặc không có; kiến thức nhân sự vận hành thiếu chuyên nghiệp, vừa học vừa làm. Thậm chí, tên gọi các cảng cạn trong các văn bản pháp quy cũng không thống nhất, nơi gọi là cảng cạn, nơi gọi cảng nội địa, điểm thông quan hàng hóa. Thông dụng nhất là cách gọi “bãi container” của cánh lái xe vận tải đường dài.
Thực tế này dẫn đến việc áp dụng quy định pháp luật và thực hiện của các cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp không nhất quán. Cảng cạn đang cùng lúc chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải thực hiện công bố mở/đóng cảng, Bộ Tài chính thành lập đơn vị hải quan quản lý, Bộ Công Thương ban hành chính sách hoạt động của doanh nghiệp đầu tư quản lý và khai thác cảng cạn... Với quá nhiều đầu mối quản lý như vậy, doanh nghiệp khai thác cảng cạn gặp không ít khó khăn, khi vướng mắc, không biết gặp cơ quan nào để giải quyết. Thêm nữa, doanh nghiệp thiếu sự gắn kết, hợp tác, phát sinh nhiều cạnh tranh không lành mạnh...
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chuyên gia logistics cho rằng, để chuyên nghiệp và đồng bộ hóa hoạt động kho bãi nội địa, phát huy tốt vai trò là cánh tay nối dài của cảng biển, cần có cơ quan chủ quản đối với cảng cạn. Cơ quan chuyên trách này sẽ khảo sát và chi tiết hóa quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; tổng hợp ý kiến đề xuất từ phía doanh nghiệp khai thác; nghiên cứu để ban hành cơ chế quản lý chung, có thể hỗ trợ từ các chính sách về thuế sử dụng đất, thuê đất, thuế nhập khẩu, VAT đối với trang thiết bị mua hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho ICD, hỗ trợ đào tạo nhân lực... Đặc biệt, gắn kết cảng cạn, tạo thành mạng lưới hợp tác, sử dụng dịch vụ lẫn nhau; phát huy sức mạnh và lợi thế khu vực, tạo môi trường hoạt động thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam.
Cảng cạn tại Việt Nam chủ yếu được xây dựng, mở rộng theo nhu cầu tự phát của từng địa phương hoặc từng doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng manh mún, đầu tư hạ tầng cơ sở không đồng bộ. |