Một quán nhậu độc đáo, có sức hút và doanh số tốt sẽ không khó để được các hãng bia tài trợ vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng.
Ngoài việc cho các chân dài xuống quán nhậu tiếp thị bia, hãng còn chi thêm tiền tài trợ nếu quán bia đoạt doanh số cao. Ảnh: MH.
Anh Hòa, chủ quán nhậu ở quận Tân Bình chia sẻ, anh rất hài lòng với việc chi trả tiền tài trợ của các hãng bia, đặc biệt là các hãng bia ngoại.
“Khi hợp tác với các hãng bia, họ chăm sóc chúng tôi rất chu đáo. Ngoài việc cung cấp các biển quảng cáo, hãng còn cử đội ngũ 'chân dài' xuống tiếp thị bia, đặc biệt là được tài trợ chi phí”, anh Hòa nói và cho biết, thông thường thời gian đầu các hãng bia sẽ khảo sát tình hình kinh doanh của quán rất kỹ, tùy vào số lượng bia bán ra mà chi tài trợ.
Mỗi năm hãng sẽ thay đổi hợp đồng một lần. Tùy vào quy mô của quán mà các hãng như Tiger, Heineken chi trả số tiền khác nhau, nhưng thường là dao động 300-500 triệu đồng một năm. Riêng với Sapporo, hãng này sẽ tài trợ theo doanh số. Doanh số bán ra càng lớn thì hãng bia của Nhật Bản sẽ càng trả cao. Tại quán của anh Hòa, với cam kết mỗi tháng bán ra khoảng 1.000 thùng bia, anh được tài trợ 1 tỷ đồng một năm.
“Vì là quán nổi tiếng lại có lượng khách lớn nên việc đạt doanh số trên không hề khó đối với quán tôi. Dẫu vậy, không phải quán nhậu nào cũng hấp dẫn được khách. Bởi chúng tôi đã chi ra cả chục tỷ đồng để đầu tư và tạo phong cách đặc sắc cho quán. Đồng thời luôn phải đổi mới, nhưng vẫn giữ nét riêng biệt để tạo sự chú ý. Có như vậy, các hãng bia mới chấp nhận chọn quán để tài trợ”, anh Hòa bộc bạch.
Dù không nổi tiếng như quán anh Hoà, nhưng mỗi năm quán nhậu ở quận 11 cũng được hãng bia Heineken chi trả 300-400 triệu đồng, với điều kiện hãng sẽ độc quyền về hình ảnh tại quán. Cũng nhận thấy tiềm năng của quán này, Sapporo quyết định nhảy vào tài trợ sau và chấp nhận không độc quyền quảng bá hình ảnh thương hiệu. Hãng này hợp tác theo cách, nếu mỗi tháng quán bán được khoảng 600 thùng, tức 20 két một ngày sẽ được tài trợ gần nửa tỷ đồng một năm.
Để được hãng bia chú ý, chủ quán này cho biết, trước hết quán phải tạo được hình ảnh. Sau khi nghe thấy tiếng tăm, hãng bia sẽ khảo sát vị trí, khu vực, phân khúc khách hàng tại quán, đồng thời kiểm tra mức độ đầu tư. Quá trình khảo sát cũng khá lâu mới được hãng đề nghị tài trợ. Nếu thời gian đầu tài trợ, quán làm ăn tốt, mang lại doanh số cao cho hãng thì sẽ được ký hợp đồng một năm. Giá trị hợp đồng sẽ tăng lên nếu doanh số tiếp tục tăng. Ngược lại, giá trị hợp đồng sẽ giảm nếu doanh số bán hàng tụt dốc. Trường hợp quán ế ẩm, hãng sẽ rút hợp đồng.
Là quán nhậu cũng khá nổi tiếng ở quận 2, chủ quán ở đây cho biết, hầu hết các hãng bia ngoại đều “săn đón” muốn độc quyền hình ảnh và đưa ra đề nghị hấp dẫn. Tuy nhiên, chủ quán này xác định đặt sở thích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Do vậy, loại bia nào được khách chọn nhiều nhất anh sẽ cho độc quyền hình ảnh.
“Hiện nay vì khá cạnh tranh nên các hãng bia chi rất mạnh tay cho hoạt động tài trợ. Ngoài ra, chúng tôi còn được tham gia nhiều sự kiện lớn của hãng, thậm chí còn được vinh danh những cơ sở làm ăn tốt”, chủ quán quận 2 tâm sự.
Vị này còn cho biết thêm, đối với hãng bia trong nước như Bia Sài Gòn (Sabeco), vì là công ty nhà nước nên ngân sách chi cho tài trợ khá thấp. Thông thường họ chỉ chi 10-15% trên tổng doanh số bán hàng. Chẳng hạn như một tháng cửa hàng này bán được 500 triệu tiền bia, hãng sẽ trích cho 50 triệu đồng.
Chia sẻ với VnExpress, một lãnh đạo của Sappro Việt Nam cho biết, tới nay hãng đã liên kết với khoảng 2.000 quán nhậu, nhà hàng và câu lạc bộ bia. Không tiết lộ chi phí tài trợ nhưng theo hãng này con số là khá lớn. Hiện trên thị trường, đây là hãng được các nhà hàng, quán nhậu đánh giá là mạnh tay chi tiền nhất. Bên cạnh tài trợ tiền cho các quán, năm 2015, hãng còn thuê khoảng 700 nhân viên tiếp thị làm việc thường xuyên tại những nơi này.
Cũng chi số tiền cho tài trợ nhà hàng, quán nhậu… lên tới hàng trăm tỷ đồng, Công ty Liên doanh bia Việt Nam, đơn vị quản lý hai thương hiệu lớn là Heineken, Tiger đang đạt được tăng trưởng mạnh. Chủ tịch Heineken châu Á & Thái Bình Dương - Frans Eusman cho biết, hãng vẫn đang tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam - thị trường có khả năng sinh lời lớn thứ 2 cho họ, chỉ sau Mexico. Năm 2015, lợi nhuận của hãng này tại Việt Nam lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Còn với Sabeco, tuy lép vế trong khoản chi tài trợ, nhưng lượng tiền chi ra cho hoạt động quảng bá tiếp thị liên tục tăng qua các năm. Năm 2015, Sabeco chi tới 1.269 tỷ đồng cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tăng 43,2% so với 2014.
Một lãnh đạo doanh nghiệp bia cho biết, sở dĩ các hãng chi lượng tiền tài trợ lớn cho nhà hàng, quán nhậu, câu lạc bộ bia là vì sức tiêu thụ của thị trường tập trung vào các nhóm này. Riêng với quán nhậu, lượng tiêu thu bia chiếm tới trên 50%. Việt Nam đang là thị trường số một của Đông Nam Á với số lượng tiêu thụ bia khổng lồ, cho nên dù chi tiền tài trợ, tiếp thị lớn các hãng bia vẫn kiếm lời tốt.
Số liệu của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy, đến năm 2015, cả nước có 129 cơ sở sản xuất, tiêu thụ bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới.
Dẫn đầu trên thị trường bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với sản lượng năm 2015 đạt 1,38 tỷ lít, lợi nhuận 3.420 tỷ đồng. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3 với 667,8 triệu lít; Carlsberg đứng thứ 4 với 229 triệu lít. Mới đây, Heineken Việt Nam cũng đã chính thức mua lại nhà máy bia Carlsberg tại Vũng Tàu để gia tăng năng lực.
Theo VnExpress