Quần thể hang động Núi Đầu Rồng nằm ở Khu III, thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong chỉ cách trung tâm thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khoảng 10 km (cách Thủ đô Hà Nội gần 80 km). Cao Phong là vùng đất có lịch sử lâu đời, là trung tâm của đất Mường Thàng, một trong bốn mường lớn của tỉnh Hòa Bình (Bi, Vang, Thàng, Động). Cao Phong còn là mảnh đất có nhiều danh thắng đẹp chứa đựng nhiều huyền tích, nhiều ngọn núi, nhiều địa danh đã từng đi vào các trang thơ, áng văn như những câu truyện huyền thoại. Trong số những di tích của huyện Cao Phong, nổi bật là Danh lam thắng cảnh quần thể hang động Núi Đầu Rồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia.
Dãy Núi Đầu Rồng được trải dài như con rồng khổng lồ đang phủ phục, tạo nên bức tường thành trấn ngữ phía Đông Nam cho thị trấn Cao Phong, cách quốc lộ 6 gần 500m về phía Đông. Dãy núi này dài hơn 1km, độ cao sấp sỉ 200m so với chân núi. Các hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể thắng cảnh với thế giới nhũ đá lung linh huyền ảo. Mỗi hang động là một kỳ quan tuyệt vời của tạo hóa ban tặng cho mảnh đất Cao Phong, với các tên: Hoa Sơn Thạch động, Động Không Đáy, Phong Sơn động, Nhãn Long Sơn động, Hang Nước, Động Thanh Thủy. Các hang động được phân bố khá đều trong dãy núi, khoảng cách giữa các điểm chỉ vài trăm mét.
Núi Đầu Rồng thuộc thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Khi vào thăm quan, du khách đều có thể cảm nhận mỗi hang động trong quần thể đều có vẻ đẹp riêng....Hoa Sơn Thạch Động như một khu vườn thượng uyển mà nơi đó các loài hoa rực rỡ đã được bàn tay khéo léo của tạo hoá tạo nên. Động Thanh Thủy như một câu chuyện cổ tích kể về tình yêu vĩnh hằng của lứa đôi; động thì như một điểm gạch nối giữa trời và đất; Nhãn Long Động như một thiền viện với vô số các vị Phật, Thánh đang tự tại trong thế giới thần linh. Cả quần thể là một công trình hoàn chỉnh mê đắm lòng người.
Núi Đầu Rồng nằm trấn ngữ phía Đông Nam thị trấn Cao Phong.
Trong những hang động đẹp, nổi tiếng ở Núi Đầu Rồng phải nói đến Hoa Sơn Thạch động - Đây là một trong những hang động khô dài và đẹp nhất, cách Phong Sơn động 500m về phía Tây Bắc, cách động Không Đáy 100m về phía Đông Nam.
Khi vào trong động, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cả rừng hoa thạch nhũ đua nhau khoe sắc. Nhũ từ vòm trần rủ xuống, cả rừng thạch nhũ thi nhau khoe sắc có chùm trắng tựa hoa phong lan, có chùm mạnh mẽ cứng cáp như gươm đao có chùm thướt tha hiền dịu uốn mình bay bổng như những đám mây. Nét nổi bật ở đây là có các khối nhũ đá khá lớn khối bên trái sừng sững nhuộm một màu vàng như cả một núi vàng đang tuôn chảy. Dưới chân của núi vàng là một hồ nước và những con đập ngăn không cho núi vàng chảy mất. Dưới hồ nước trong suốt nhìn thấu cả những hòn cuội trắng như những đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới làn nước trong mát. Nền động nhấp nhô hàng chục, hàng trăm khối nhũ đá lớn nhỏ tạo nên nhiều hình thù và góc cạnh, dáng nét kỳ vĩ, hoành tráng và thơ mộng. Các khối nhũ đá đua nhau mọc, khối nọ nối tiếp khối kia tạo ra các đường quanh co sẽ đưa du khách vào thăm thế giới của hoa đá và các nhũ đá kỳ vĩ của động. Càng vào sâu lòng hang càng rộng, nhiều trụ đá nhô lên, không gian u uẩn huyền bí, khi rọi ánh đèn vào lại ngỡ như biển cạn nhấp nhô những hòn đảo nhỏ, lại ngỡ rừng cây hoá thạch, những cảnh rừng từ thời nguyên sơ đã sống qua hàng ngàn, ngàn năm tuổi đến cả lá cành, hoa quả đều hoá thành đá.
Du khách tiếp tục tới thăm Động Không Đáy nằm ở phía Tây của Hoa Sơn Thạch động. Động tọa lạc ở độ cao khoảng 120m so với mặt đất, nghĩa là thấp hơn một chút và nằm ở phía trong Hoa Sơn Thạch động. Trong lòng động có một giếng sâu hun hút, miệng giếng rộng khoảng 10m x 7m. Khi cầm một viên đá to ném xuống miệng hố không nghe thấy tiếng vọng lại như hố không có đáy vậy. Cho đến nay, chưa ai, kể cả những người leo núi giỏi nhất của địa phương cũng chưa dám xuống thám hiểm. Vì vậy nhân dân địa phương trong vùng gọi là động Không Đáy là vì thế.
Động Không Đáy khá dài, nền hang khô ráo. Đường đi quanh co uốn lượn tạo nên nhiều cung phòng. Mỗi một cung phòng đều chứa đựng nhiều cảnh đẹp khác nhau. Trên đường đi có những lúc du khách phải len lỏi qua những cột nhũ, vách nhũ, hay những dải nhũ hấp dẫn với nhiều màu sắc và tạo ra nhiều dáng vẻ hình thù kỳ lạ và hấp dẫn làm say đắm lòng người. Bước chân vào đây, du khách thực sự bàng hoàng trước cảnh đẹp nguy nga, lộng lẫy của rừng thạch nhũ do thiên tạo như một thế giới đang sống động hiện hữu bên ngoài. Những nhũ đá xen kẽ lẫn nhau, khối thì cứng cáp như gươm đao, khối thì thướt tha hiền dịu như những áng mây, khối thì e thẹn như trinh nữ đang tuổi dậy thì. Các cột nhũ, khối nhũ được liên kết với nhau tạo thành một thế giới sống động mang đủ các hình hài của vạn vật và thay đổi theo trí tưởng tượng của mỗi du khách
Tiếp tục hành trình du khách đến với Nhãn Long Sơn động nằm ở phía Đông Nam của dãy núi Đầu Rồng, cách động Không Đáy khoảng 50m về phía Tây Bắc. Động tọa lạc ở độ cao 40m so với chân núi. Động có chiều dài150m (không kể ngách). Cửa động rộng và thông thoáng, ánh sáng tự nhiên lọt vào chừng 10m. Vào đây vòm trần cao ráo thoáng mát, lòng nền khá bằng phẳng, đôi chỗ gồ ghề đá, đất bồi trên nền động màu vàng thẫm khô ráo. Từ cửa động nhìn xuống bao quát cả thị trấn Cao Phong với các nương mía, đồi cam vàng rực. Càng vào bên trong không khí càng mát mẻ. Theo các lối đi khúc khuỷu ta bắt gặp trên vách hang và trần hang các thạch nhũ là chim muông, nào cây thạch bích đang trổ những bông hoa đá lóng lánh như những hạt kim cương ... Luồn lách, len lỏi vào trong hai bên thành vách là những dải nhũ thướt tha, chúng phân bố khá đều đặn trông xa xa như một dải lụa đào vắt ngang trên dàn phơi dưới ánh nắng chiều tà. Vào đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đường nét uyển chuyển mềm mại của đá. Những trụ đá, măng đá, đứng sừng sững uy nghi giữa lòng động như một biểu tượng vĩnh hằng của quá khứ.
Du khách cũng khó có thể bỏ qua điểm đến Phong Sơn động nằm ở lưng chừng đỉnh núi. Đường lên động luồn dưới những tán cây rừng, men theo những triền đá cheo leo, gần đến cửa động, điều đầu tiên mà du khách cảm nhận được là có một luồng gió rất mạnh từ lòng núi có phần hơi lạnh từ cửa động thổi ra, xua tan hết nỗi nóng bức, mệt nhọc trên đường đi của du khách, có lẽ vì thế mà người dân ở đây đã đặt tên là Phong Sơn động (động gió núi).
Đây là động cao nhất trong quần thể di tích ở Núi Đầu Rồng, ở độ cao gần 200m so với chân núi. Nằm phía trên Hoa Sơn thạch động, cách Hoa Sơn thạch động khoảng 100m về phía Đông Nam, cách động Thanh Thủy 300m về phía Tây Bắc. Động ăn sâu vào lòng núi gần 70m. Bước vào trong du khách như ngỡ mình lạc vào khu vườn thượng uyển của vua chúa ngày xưa, với vườn hoa thơm quả ngọt.
Đứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc, du khách ngỡ như đang đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy. Đâu đó tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Đó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá.
Đến với Hang Nước nằm về Tây Bắc của Núi Đầu Rồng, cách động Thanh Thủy 300m về Đông Nam. Cửa hang ở sát mặt đất quay về hướng Tây Bắc. Hang dài 400m (không kể ngách). Du khách sẽ thấy trong lòng hang là một dòng suối nước trong veo mát lạnh chảy xuôi nhè nhẹ từ lòng núi tuôn ra. Nấu muốn du ngoạn khám phá bên trong thì du khách phải đi bằng thuyền, mực nước trong hang có chỗ nông chỉ đến bắp chân, chỗ sâu từ 5 đến 8m. Có sự giao động giữa hai mùa khô và mùa mưa chênh lệch nhau khoảng 0,8m.
Vào sâu trong hang, vòm trần cao dần lên khoảng 8m, khi ngước nhìn lên vách phía tay trái, ta sững sờ bắt gặp những hình tượng sống động với dáng hình của các loài vật trên trời, rừng núi và biển khơi đều tụ hợp tại đây: kia là chú chim đại bàng đang dang rộng đôi cánh và chiếc mỏ dài như để khoe sức mạnh của mình, xa hơn một chút là một chú voi mắt hiền từ đang thong dong bước những bước đi chậm dãi nhưng thật uy nghi và cả những những chiếc vòi bạch tuộc vươn dài trườn từ trần xuống mặt nước.
Thuyền bồng bềnh trôi nhè nhẹ, chắc hẳn không dễ mấy ai quên được vì cảnh đẹp của hang, một nét đẹp đến lạ kỳ. Vòm động khum khum với vô số các mầm nhũ, thạch nhũ chúng long lanh, lấp lánh với đủ kiểu dáng trông thật đài các và kiêu xa. Các khối nhũ đứng lặng im, in hình dưới làn nước xanh biếc như những cô gái đang độ dậy thì soi gương tô điểm trong mỗi buổi sáng mai.
Nhưng nét sinh động hơn là ở đây có rất nhiều bầy dơi trú ngụ, chúng quấn quít nhau thành cụm, thành chùm ríu ran gọi bạn tình… thật lãng mạn. Chúng giật mình khi nghe tiếng động khua nước lao xao của du khách, nhiều con vội vàng vút bay lên, chúng chao đi liệng lại khiến cho không khí trong hang càng thêm thú vị hơn, uyển chuyển trong sự giao hòa của thiên nhiên vạn vật...
Tiếp tục hành trình du khách đến với Động Thanh Thủy.Nếu ở Hang Nước, cửa vào là dòng nước chảy ra thì động Thanh Thủy cửa vào lại là dòng nước dâng của mạch nước ngầm gần giữa hang phun lên (gọi là dòng nước trên) chảy vào lòng hang, rồi đến cuối ‘hợp thủy” với dòng nước dưới chảy từ Đông sang Tây. Nước ở mạch nước ngầm phun lên trong vắt, vì lẽ đó mà người dân trong vùng gọi là động Thanh Thủy (động nước trong). Vào mùa nước lớn, nước trong động dâng cao, du khách không thể vào thăm được.
Vừa bước chân xuống, không khí trong lành, mát mẻ, trước mắt du khách là khung cảnh tuyệt đẹp, du khách nhìn về phía tay phải từ vách động dựng đứng, thô ráp khi thấy cả một dòng thác trắng xóa như đang tuôn trào xuống lòng động. Du khách như bị hút hồn vào đó, ánh bạc hắt làm hửng sáng cả một góc, ai ai cũng muốn chạm vào. Phía bên tay trái là những khối nhũ nhuộm màu xám của thời gian, các khối nhũ vươn dài, vững chãi, khỏe khoắn như những chàng lính ngự lâm đứng gác. Vào tới gần giữa, động càng đẹp, dáng vẻ hoang sơ, những chùm hoa đá rực rỡ đua nhau khoe sắc, khoe hương, chợt ánh lên bao sắc màu óng ánh, khi ta chiếu đèn vào những chùm hoa mẫu đơn, cúc đại đoá, giò phong lan cảnh….tất cả ở trong tư thế vươn ra lay động rung rinh.
Đang mải ngắm vườn hoa đá đủ sắc màu, du khách bỗng thấy con thuyền chòng chành, dòng nước như chảy mạnh và xiết hơn. Đây chính là miệng của mạch nước ngầm từ lòng hang phun lên chảy thành dòng, nước không bao giờ cạn. Nước từ các khe núi Đầu Rồng chảy xuống, lọc qua khe đá, rễ cây rừng, qua mạch nước ngầm nên trong vắt, nước trong nhìn tận đáy từng đàn cá đang bơi lội tung tăng, ẩn hiện dưới những khe đá.
Trải qua một khoảng thời gian trải nghiệm và khám phá Quần thể hang động Núi Đầu Rồng, trước vẻ đẹp vừa lung linh huyền ảo vừa mộc mạc hoang sơ, vừa như thực vừa như mơ mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, đã để lại trong lòng mỗi du khách biết bao những những ấn tượng khó phai và những cảm xúc đầy thú vị.
Khai trương, đón khách đến tham quan du lịch đúng vào dịp kỷ niệm mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ (03/02/2014) đến hết 6 tháng đầu năm 2014, điểm du lịch Quần thể hang động Núi Đầu Rồng đã đón hơn 12.000 lượt khách nội địa và quốc tế.
Bản Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong.
Bản đồ du lịch huyện Cao Phong từ lâu đã được du khách biết đến bởi các di tích lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa như khu căn cứ cách mạng Cao Phong Thạch Yên, Vườn hoa núi Cối, chùa Khánh, đền Thác Bờ, Tượng đài Cù Chính Lan...; điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bản Mỗ(xã Bình Thanh) với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường Hòa Bình được bảo tồn, lưu giữ và phát huy. Không chỉ có vậy, đến với vùng đất của nắng và gió với địa hình nhiều thung lũng bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành du khách còn được thưởng thức vị ngọt, thơm của những trái cam vàng, những vườn mía tím mà ngày nay đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng khắp nơi. Giờ đây Quần thể hang động Núi Đầu Rồng với vẻ đẹp kỳ diệu của tạo hóa ban tặng cho con người gắn liền với sự linh thiêng huyền bí, càng tạo nên sức hấp dẫn và sự lan tỏa cho du khách đến nghiên cứu, tham quan du lịch hàng năm tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.