Ngày 3/2, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Y tế tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai các phương án cùng doanh nghiệp chống dịch viêm phổi do virus corona, phục hồi thị trường du lịch sớm sau đại dịch.
Du lịch sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, hội nghị nhằm gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh để có những phương án, sự phản hồi hai chiều từ cơ quan quản lý với các doanh nghiệp nhằm phòng chống virus corona và khắc phục du lịch sớm sau đại dịch.
Hội nghị doanh nghiệp du lịch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh corona
Hiện Quảng Nam chưa có trường hợp nào nhiễm n-CoV, các ca nghi ngờ trước đó đã xác định làm âm tính. Đối với thị trường du lịch tỉnh, 7 ngày Tết tăng nhẹ nhưng khách nội địa giảm, còn khách nước ngoài chủ yếu là đến từ trước. Nhưng những ngày gần đây, lượng khách giảm.
Tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam) cũng đã có máy đo thân nhiệt, tỉnh cũng đã lập đội phản ứng nhanh và các cơ sở y tế, bệnh viên luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra
“Bên cạnh các ngành kinh tế khác, thì du lịch là ngành ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện nay Quảng Nam chưa có ca nhiễm, nhưng Hội An là trung tâm du lịch của tỉnh, nơi có đông khách quốc tế nên cần có biện pháp ngăn ngừa. Cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và các doanh nghiệp du lịch để ngăn ngừa virus corona, đặc biệt là bàn giải pháp khôi phục lại ngành du lịch sau đại dịch”, ông Hồng nói.
Huy động các doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ nguồn lực
Đây là thời điểm các doanh nghiệp du lịch đồng lòng, cùng chia sẻ khó khăn để vượt qua cơn “khủng hoảng” này. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành phải cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống. Tạm dừng tổ chức tour đến các vùng có dịch và đón khách từ vùng có dịch đến. Cần phòng tránh cho cả khách và nhân viên của mình, tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Các doanh nghiệp du lịch, cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp phòng dịch cho nhân viên, người dân và du khách
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, một số khách sạn đã chủ động mua máy đo thân nhiệt và trang bị khẩu trang, nước sát trùng, khử trùng khu làm việc, khách sạn… TP Hội An và Ban quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn là hai nơi chủ động và ứng phó nhanh khi trang bị khẩu trang cho khách tham quan và cung cấp nước sát trùng tại các khu vực công cộng.
Không được kỳ thị khách Trung Quốc và phải có ứng xử phù hợp. Thời gian qua, tại một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Hội An đã có hành vi dán bảng không tiếp khách Trung Quốc rất phản cảm, cơ quan chức năng đã xử lý và tuyên truyền.
Du lịch sẽ là ngành ảnh hưởng nặng nề nhất, các doanh nghiệp du lịch và cơ quan chức năng cần có biện pháp phục hồi, phát triển ngành sau khi đại dịch được khống chế
Tại Trung tâm hướng dẫn du khách thường xuyên cập nhật thông tin và phản hồi thông tin đến du khách, những ngày vừa qua đã có 1.600 lượt khách gọi đến, trong đó 100 lượt khách Trung Quốc để hỏi về tình hình dịch và biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn y tế.
“Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có biện pháp chủ động kích cầu, giữ chân khách và phát triển trở lại ngành du lịch sau khi dịch được khống chế”, ông Hồng nói thêm.
Ông Phạm Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, kiến nghị cần lập các đội phản ứng nhanh về du lịch, du khách tại Mỹ Sơn và Hội An. Bên cạnh đó cần bình ổn giá vật tư y tế, cung cấp nước rửa tay cho các khách sạn, khu du lịch vì hiện nay rất khó mua. Cập nhật thông tin để các hội viên doanh nghiệp du lịch biết xử lý các tình huống, thời điểm này mọi người cần đồng lòng. Phối hợp tin tức giữa các cơ quan để kịp thời thông tin, tuyên truyền.
Đối với các doanh nghiệp cần bảo vệ người lao động và du khách, đặc biệt không phân biệt đối xử với khách Trung Quốc. Đào tạo cho nhân viên về cách phòng chống, dọn dẹp khử trùng nơi làm việc và tích cực tuyên truyền cho du khách. Kiểm soát và theo dõi du khách để kịp thời phát hiện và trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng chia sẻ về biện pháp phòng chống dịch của đơn vị mình và đặt ra các câu hỏi về xử lý tình huống phát sinh khi có khách nghi nhiễm; phòng ngừa như thế nào đối với các xe công cộng như taxi… những người thường xuyên tiếp xúc khách nước ngoài; giá vật tư y tế tăng cao và cháy hàng…
Bác sĩ Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam – cho hay, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ trục lợi các vật tư y tế thiết yếu hiện nay như khẩu trang y tế, thuốc sát trùng… có thể rút giấy phép kinh doanh tùy trường hợp. Sở Y tế sẽ tham mưu tỉnh để kiểm soát và không để tình trạng thiếu vật tư y tế xảy ra.
“Tại sân bay Chu Lai hiện nay cũng đã có máy đo thân nhiệt, tỉnh cũng đã thành lập các đội phản ứng nhanh và các cơ sở y tế, bệnh viện luôn trong tình trạng sẵn sàng để xử lý các tình huống nên người dân cần yên tâm và chỉ theo dõi các kênh chính thống, không nên tiếp tay cho những thông tin sai sự thật, kích động quần chúng”, ông Văn nói.
Theo Công Bính-Ngô Linh / dantri.com.vn