Tọa lạc ở một vùng đất lý tưởng, Sân bay Chu Lai đang được tỉnh Quảng Nam tính toán hướng chiến lược lâu dài để xây dựng thành trung tâm đào tạo, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; sân bay trung chuyển hàng hóa của Việt Nam và khu vực.
Nằm giữa Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), cũng đồng thời là 2 địa phương có phát triển với tốc độ khá cao, Sân bay Chu Lai đang đóng vai trò là “đường băng” cho hai vùng đất, hai khu kinh tế lớn từ hai phía cất cánh.
Tháng 3/2005, Quảng Nam ghi dấu ấn trên bản đồ ngành hàng không Việt Nam bằng chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống Sân bay Chu Lai. Từ đó đến nay, có những lúc, cả ba hãng hàng không là Vietnam Airlines; VietJet Airlines và Jetstar Pacific mở đường bay đi và đến sân bay này với các chặng bay: Chu Lai - TP. HCM; Chu Lai-Hà Nội.
Nhiều hãng hàng không đã mở đường bay nối Chu Lai với các thành phố lớn
Dù số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không không ngừng tăng qua các năm và bên cạnh là Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã và đang được nâng cấp, công suất 13 triệu lượt hành khách đã khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dần tính toán, chuyển trọng tâm kêu gọi đầu tư vào Sân bay Chu Lai theo hướng thành trung tâm đào tạo, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; sân bay trung chuyển hàng hóa của Việt Nam và khu vực theo “đặc sản” riêng của mình.
Giải pháp ban đầu được lãnh đạo tỉnh đưa ra là tạo những dự án động lực, làm tiền đề cho phát triển sân bay. Tổng thể nhóm dự án thuộc chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với Sân bay Chu Lai gồm Trường đào tạo phi công, duy tu sữa chữa tàu bay và sản xuất công nghiệp chuyển phát nhanh với quy mô khoảng 3.300 ha, bao gồm Sân bay Chu Lai 2.300 ha và 1.000 ha khu vực xung quanh gắn với sân bay gồm khu đô thị và khu công nghiệp dịch vụ Tam Nghĩa – Tam Quang.
Vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương xúc tiến Dự án đầu tư Trung tâm dịch vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Khu kinh tế mở Chu Lai và đưa Sân bay Chu Lai vào Danh mục dự án khuyến khích đầu tư bằng hình thức BOT hoặc BT.
Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, sau 3 năm, Dự án xây dựng Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay đã nhận được quan tâm và đề xuất hỗ trợ kinh phí làm tư vấn của một số đối tác. Hiện Vietjet Air đang phối hợp với Công ty Parsons (Hoa Kỳ) khảo sát và đề xuất nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP.
Cũng mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (Thien Tan Group - Quảng Ngãi) đã nhận được đề xuất hợp tác của Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ) cùng tham gia Dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai. Theo ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group, dự kiến số vốn đầu tư cho nâng cấp, mở rộng khoảng 1 tỷ USD.
Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã thống nhất về chủ trương để Thiên Tân Group khảo sát, nghiên cứu lập Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai theo hình thức BOT. Việc nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai dự kiến sẽ tăng thêm 1.500 ha nữa về phía nam sân bay, tức là sang phía tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài ra, Sân bay Chu Lai đang đón nhận những cơ hội để vững vàng cất, sải cánh bay cao hơn, dài hơn và rộng hơn. Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cũng đã chấp thuận hỗ trợ nguồn vốn ODA để nghiên cứu lập quy hoạch, đầu tư phát triển Sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế cấp 4F theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
Với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi đó, tin tưởng rằng trong thời gian không xa nữa, Sân bay Chu Lai sẽ phát triển mạnh mẽ để đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn hàng hóa và 4,1 triệu hành khách/năm như phê duyệt của Chính phủ.
Minh Phương