Với chiến lược phát triển dựa trên tiềm lực hiện có, những tổ hợp công nghiệp có quy mô lớn đang dần lộ diện trên mảnh đất Quảng Nam anh hùng.
Định vị trung tâm công nghiệp ô tô
Một trung tâm công nghiệp ô tô đang dần định hình rõ nét tại Quảng Nam, dẫn đầu và dẫn dắt ngành công nghiệp này chính là Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group). Từ công nghiệp lắp ráp ô tô, các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế tạo máy cũng đang được Thaco mở rộng, phát triển. Năm 2003, Trường Hải bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Và đó là tiền để để một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô khổng lồ vững vàng trên cát trắng.
TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung từng nói, ngay từ khi mới thành lập, Nhà máy Ô tô Chu Lai - Trường Hải đã khẳng định vai trò “sếu đầu đàn”, hạt nhân tăng trưởng của Khu kinh tế mở Chu Lai và miền Trung - Tây Nguyên.
Động cơ ô tô được hoàn thiện trên dây chuyền của Thaco. Ảnh: Đức Thanh |
Thực tế đúng như vậy. Đến nay Thaco đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Quảng Nam và khu vực. Sự ra đời của Khu phức hợp Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải cũng đã góp phần đưa Thaco trở thành một trong những nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô hàng đầu tại Việt Nam.
Năm 2016, tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải đã sản xuất, lắp ráp 106.000 xe, tăng 44% so với năm 2015; nộp ngân sách 14.350 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2015. Về sản xuất linh kiện phụ tùng, tổng giá trị sản xuất đạt 6.000 tỷ đồng. Trong năm đã xuất khẩu nhiều sản phẩm linh kiện phụ tùng sang Hàn Quốc, Malaysia, Nga, Kazakhstan, Colombia,... với tổng giá trị xuất khẩu hơn 2,1 triệu USD. Về giao nhận - vận chuyển, đã nâng cấp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics hiện hữu, mở rộng hệ thống dịch vụ, giảm giá thành; mở tuyến hàng hải container quốc tế Hàn Quốc - Chu Lai, góp phần giảm chi phí logistics.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, 2016 là năm trọng tâm thực hiện chiến lược 3 năm 2015 - 2017 chuẩn bị cho hội nhập; cũng là thời điểm bắt đầu chu kỳ đầu tư mới nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của Thaco.
“Khu phức hợp đã đầu tư và đưa vào hoạt động 1 nhà máy sản xuất ô tô, 3 nhà máy linh kiện phụ tùng; khởi công mở rộng Khu công nghiệp Cơ khí ô tô (268 ha) và cảng Chu Lai - Trường Hải; xây dựng nhà máy xe bus mới công suất 5.000 xe/năm và xe mini bus (12 - 16 chỗ) 10.000 xe/năm, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của các nhà máy hiện hữu; bám sát định hướng chiến lược xây dựng Khu phức hợp trở thành trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện phụ tùng có quy mô mang tầm ASEAN”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, năm 2017, Khu phức hợp đặt mục tiêu sản xuất, lắp ráp 117.000 xe, tăng 11% so với năm 2016, bao gồm 54.000 xe tải, xe bus; 63.000 xe du lịch. Đối với linh kiện phụ tùng sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và sản xuất theo hướng ưu tiên các sản phẩm có sản lượng lớn, sẵn nguồn nguyên vật liệu trong nước, có cùng công nghệ sản xuất; chú trọng các linh kiện cơ khí phục vụ cho ô tô và sản xuất máy nông nghiệp.
Năm 2017, Thaco tiếp tục đầu tư nâng cấp Khu phức hợp với tổng giá trị giải ngân dự kiến 4.600 tỷ đồng, tăng 181% so với năm 2016; gồm các dự án: mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô; hoàn thành nhà máy xe bus mới; triển khai xây dựng nhà máy xe du lịch Mazda, nhà máy xe tải mới; nhà máy liên doanh xe thương mại Thaco - Hyundai; nhà máy sản xuất máy nông nghiệp; tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy linh kiện phụ tùng: nhà máy hoá chất mới; nhà máy khung gầm xe bus; nhà máy nhíp lò xo và thanh cân bằng xe du lịch; Trung tâm R&D; Khu nhà ở công nhân và dịch vụ hạ tầng xã hội Chu Lai để đưa vào hoạt động vào năm 2018.
Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, Dự án mở rộng khu công nghiệp ô tô dựa trên nền tảng của Thaco đã đầu tư giai đoạn I gần 1 tỷ USD để hình thành và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất, lắp ráp; nhà máy linh kiện phụ tùng; đơn vị hỗ trợ cùng Trường Cao đẳng nghề.
Để phát triển thành công một trung tâm công nghiệp ô tô, Thaco đã đàm phán, hợp tác với Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) về xây dựng nhà máy quy mô 100.000 xe ô tô du lịch/năm, kết hợp với cụm sản xuất công nghiệp hỗ trợ với 25 nhà máy tại Chu Lai. Dự kiến, sẽ được khởi công xây dựng thời gian tới.
Rộng cửa phát triển công nghiệp điện khí
Việc Tổng công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò - Khai thác dầu khí Exxon Mobil Việt Nam (Exxon Mobil) ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí mỏ Cá Voi Xanh, đã mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp điện khí của tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2009, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 117, 118, 119 trên vùng biển Việt Nam đã được các bên ký kết. Đến đầu tháng 3/2016, dự án tiến thêm bước quan trọng, khi tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, tạo cơ sở để PVN và các đơn vị thành viên tìm kiếm, triển khai các dự án, kể cả phát triển các dự án hợp tác thương mại, phân phối các sản phẩm dầu khí, hóa dầu trên địa bàn tỉnh.
Về phía địa phương, để chuẩn bị cho việc đầu tư các nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh và hình thành Trung tâm Điện khí miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng 3.400 ha mặt bằng để khi dự án được cấp phép, nhà đầu tư có thể triển khai ngay.
Sự ra đời của Khu phức hợp Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải cũng đã góp phần đưa Thaco trở thành một trong những nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô hàng đầu tại Việt Nam. |
Ông Đỗ Xuân Diện cho biết, để xúc tiến dự án này, tỉnh Quảng Nam đã giao Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm việc nhiều lần với PVN và nhà đầu tư là Tập đoàn Exxon Mobil. Đến nay, Dự án đang đi đúng hướng, dù tiến độ triển khai chậm hơn so với yêu cầu của nhà đầu tư.
Quảng Nam đã thực hiện các yêu cầu mà nhà đầu tư đề nghị như: đặt trạm khí tượng thủy văn để nhà đầu tư chủ động về thời tiết trong quá trình triển khai dự án; tính toán đầu tư hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp, giữa nhà máy điện khí với các doanh nghiệp đầu tư sử dụng nguồn nhiên liệu khí để sản xuất; xây dựng các khu tái định cư để di dời dân, chuẩn bị giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch…
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đã làm việc với Bộ Quốc phòng về chuyển phần diện tích đất quân đội sang phục vụ phát triển kinh tế. Tổng diện tích đã quy hoạch theo yêu cầu nhà đầu tư Dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh khoảng 400 ha.
Cùng với chuẩn bị mặt bằng cho dự án, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đang tiến hành nghiên cứu trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 3.000 ha, thu hút các dự án đầu tư sau khí.
“Chúng tôi sẽ quy hoạch thuận lợi nhất cho việc đưa khí sạch từ nhà máy khí đến các khu công nghiệp, nhằm sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm sử dụng nhiên liệu khí để có giá thành cạnh tranh”, ông Diện cho biết.
Theo khái toán ban đầu của nhà đầu tư, chỉ riêng hệ thống khai thác, bơm khí, đưa khí thô vào bờ và xây dựng nhà máy khí để tách CO2 tạo ra khí sạch từ Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh đã có vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Bốn nhà máy điện từ khí, công suất 3.000 MW, dự kiến vốn đầu tư khoảng 7 - 8 tỷ USD nữa.
“Để khai thác hiệu quả nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh, đầu tháng 9/2016, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và UBND tỉnh Quảng Nam đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Tập đoàn Exxon Mobil để tìm hiểu về việc mở rộng các ngành công nghiệp phụ trợ sau khí. Đoàn công tác chú trọng tìm hiểu về vấn đề quy hoạch, nhằm thu hút đầu tư hiệu quả, với sức cạnh tranh cao”, ông Đỗ Xuân Diện cho biết thêm.
Minh Hà / baodautu