Năm 2017, Quảng Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng của khu vực miền Trung về thu hút đầu tư, lập thành tích chào mừng 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017).
Có thể nói, Quảng Nam là mảnh đất lành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự có mặt và gắn bó lâu dài của những “con sếu đầu đàn” như Ô tô Trường Hải, Suntory- Pepsico, Nhà máy Bia Việt Nam VBL, thiết bị vệ sinh Inax, thiết bị ngành dệt may Groz-Beckert và các thương hiệu du lịch dịch vụ - nổi tiếng như The Nam Hai, Sân golf Montgomerie Links, Victoria, GoldenSand, Palm Garden… với Quảng Nam đã minh chứng cho điều này.
So với nhiều địa phương, Quảng Nam có lợi thế lớn về thu hút đầu tư. Trước hết là vị trí địa lý mang tính chiến lược của tỉnh. Quảng Nam có diện tích 10.438 km2, nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phía Bắc giáp TP. Đà Nẵng - trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo của miền Trung; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp nước CHDCND Lào; nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận lợi trong vận chuyển lưu thông đường bộ sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đường biển sang các nước khác thuộc khu vực ASEAN.
Công nghiệp ô tô là điểm nhấn quan trọng đối với sự phát triển Quảng Nam. (Trong ảnh: Nhà máy Ô tô Trường Hải)
Vị trí chiến lược, cộng thêm hạ tầng giao thông đồng bộ, có đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuộc trục giao thông quốc gia, quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Nam có thể thu hút những nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp và 50 cụm công nghiệp. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều nằm trên trục giao thông chính, có diện tích rộng, hạ tầng điện nước, viễn thông đáp ứng đầy đủ nhu cầu các dự án đầu tư. Riêng đối với hệ thống xử lý nước thải, phần lớn các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đều có hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn theo quy định.
Ngoài ra, hạ tầng xã hội và dịch vụ tiện ích khác như trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí trên địa bàn Quảng Nam về cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư và người dân. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, toàn tỉnh có hơn 5.436 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có nhiều thương hiệu lớn (tập trung ở khu vực ven biển), góp phần đưa Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung.
Tính đến nay, Quảng Nam đã thu hút được 126 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD từ những nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia…
Về lâu dài, Quảng Nam chú trọng thu hút đầu tư vào những ngành kinh tế mà tỉnh có nhiều lợi thế như công nghiệp hỗ trợ (cơ khí chế tạo, ô tô, điện - điện tử…); công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, nông, lâm, thuỷ sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản…); lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị (khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ven sông, khách sạn, nhà hàng, siêu thị…), đào tạo nguồn nhân lực; lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Một điểm nổi bật của chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đó là nhà đầu tư được toàn quyền lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp. Được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, trong đó có Khu kinh tế mở Chu Lai và 15/18 huyện thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ về mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu...
Theo Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tại Khu kinh tế mở Chu Lai; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo, dạy nghề, môi trường… sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp ở huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Phú Ninh được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17% trong thời gian 10 năm, được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp 4 năm tiếp theo.
Ngoài ra, Quảng Nam còn áp dụng giá đất cạnh tranh và tùy lĩnh vực đầu tư, dự án có thể được miễn tiền thuê đất chưa có kết cấu trong thời gian 11 năm, 15 năm hoặc suốt thời hạn triển khai dự án. Ngoài những quy định chung, những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng sẽ được UBND tỉnh phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, Quảng Nam đang không ngừng phát triển, thay đổi diện mạo, trở thành vùng đất của những tiềm năng và cơ hội đầu tư. Nhiều giải pháp đồng bộ đang được tỉnh thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, việc đưa Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư vào hoạt động, với cơ chế linh hoạt, nhanh gọn, đã minh chứng cho quyết tâm xây dựng hình ảnh Quảng Nam thân thiện, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
Ngọc Tân / baodautu