Với tiềm năng và lợi thế của vùng đất có các di sản văn hóa thế giới là: Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Nam đón trên 3 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Du khách tham quan Hội An. (Ảnh: QQ)
Chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2016, Quảng Nam đón trên 2 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng của lượng khách du lịch đến Quảng Nam cho thấy các chính sách kích cầu thu hút du lịch của địa phương đã bắt đầu đem lại hiệu quả, nhưng cũng đặt ra gánh nặng trong công tác đảm bảo môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách, nhất là khi các cơ sở dịch vụ ăn uống nghỉ dưỡng ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ: Trước sự gia tăng của khách du lịch, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn cho du khách luôn luôn được thành phố đặt lên hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh việc khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch, TP. Hội An đang hướng đến sản phẩm du lịch mới là ẩm thực nhằm góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương. Thành phố rất kỳ vọng thương hiệu ẩm thực Hội An sẽ được quảng bá rộng với tư cách như một sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, trước khi trở thành sản phẩm du lịch thì ẩm thực Hội An phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan được tổ chức tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để xây dựng ngành du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thủ tướng yêu cầu, để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và bền vững, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, sản phẩm du lịch và dịch vụ, các ngành và nhất là các địa phương cần phải tập trung tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo thuận lợi cho khách du lịch, đặc biệt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hội An đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động xây dựng và thực hiện thường xuyên các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố khác trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở chế biến thực phẩm, các nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn ký cam kết tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá hạn sử dụng dễ gây ra ngộ độc tập thể, làm mất đi hình ảnh an toàn và thân thiện đang được thành phố nỗ lực thực hiện.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết: Để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, không có cảnh du khách “một đi không trở lại”, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam xác định một trong những nhiệm vụ thường xuyên là phối hợp với các cơ quan chức năng, trung tâm y tế các địa phương có điểm đến du lịch thu hút số đông du khách thành lập các đội kiểm tra liên ngành nhằm triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đi đôi với công tác tuyên truyền là thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt đối với các cơ sở nhiều lần vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đội kiểm tra liên ngành sẽ kiên quyết kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt khác, để quản lý có hiệu quả hàng nghìn cơ sở kinh doanh ăn uống, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thường xuyên phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức về các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, trang bị kiến thức có liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể như: Kiểm soát nguyên liệu, phụ gia thực phẩm đầu vào, dụng cụ chứa đựng, bao gói thực phẩm, điều kiện về trang thiết bị, về con người nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho du khách.../.
Đoàn Quốc Quân / dangcongsan.vn