Theo kết quả xếp hạng, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 84,64%.
Sáng 19/5, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) 2019 của các bộ, ngành thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu 17 bộ, ngành về Chỉ số CCHC năm 2019. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ GTVT.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước, cuối cùng là tỉnh Bến Tre.
Theo kết quả xếp hạng, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 84,64%. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 84,43%, tăng 0,72%. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 lần lượt thuộc về thành phố Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây.
Bến Tre là địa phương xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành phố, với kết quả đạt 73,87%. Chi tiết kết quả đánh giá cũng cho thấy, công tác CCHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khá nhiều tồn tại, hạn chế, như: Không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chậm xử lý các văn bản trái pháp luật và những hạn chế, bất cập đã được cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền chỉ ra; không kịp thời công bố, công khai TTHC theo quy định; nhiều nhiệm vụ về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công chưa hoàn thành hoặc thực hiện chưa đúng quy định...
Kết quả CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình là 81,15%, cao nhất trong 4 năm gần đây. Khoảng cách chỉ số CCHC của tỉnh cao nhất là Quảng Ninh (90,09%) với tỉnh thấp nhất là Bến Tre (73,87%) là 16,22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước, 62 tỉnh, thành phố có điểm đánh giá tăng so với năm 2018.
Khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là 2 vùng có giá trị trung bình cao nhất, lần lượt đạt 82,95% và 82,02%, tiếp theo đó là khu vực trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo Bộ Nội vụ, năm 2019 là năm có nhiều chuyển biến tích cực, có sự bứt phá ngoạn mục của một số nội dung cải cách hành chính trong triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, đây cũng là năm thứ tám triển khai công tác xác định kết quả triển khai CCHC thông qua công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC tiếp tục được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chỉ đạo, điều hành và kết quả CCHC trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Chỉ số hài lòng của người dân: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.
Chỉ số SIPAS 2019 nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Năm 2019 là năm thứ ba SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc và kết quả Chỉ số SIPAS 2019, tương tự như năm 2018, 2017, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2019, 10 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt. So sánh năm 2019 với năm 2018, 41/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng, 22/63 tỉnh giảm. So sánh năm 2019 với năm 2018 và 2017, 25/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng bền vững qua các năm, 35/63 tỉnh tăng thiếu bền vững và 3/63 tỉnh giảm.