Sáng nay, 16/2, tức mồng 09 tháng Giêng năm Bính Thân, tại sân chùa Ngọa Vân (nằm trên núi Bảo Đài, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) đã diễn ra lễ hội Khai hội xuân Ngọa Vân gắn với việc khánh thành chùa Ngọa Vân sau gần 2 năm phục dựng.
Ngay trong ngày khai hội, hàng nghìn người dân và du khách đã về tham dự, tạo nên một không khí náo nức, nhộn nhịp nhưng vẫn rất trang trọng. Bên cạnh phần lễ, Hội chùa Ngọa Vân còn có nhiều hoạt động phong phú như giao lưu văn nghệ của các câu lạc bộ chèo trên địa bàn; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum, ném còn...
Chùa - Am Ngọa Vân là điểm chùa nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Qua thời gian, cùng với những biến thiên của lịch sử, công trình đã bị đổ nát, xuống cấp. Chùa Ngọa Vân (chùa Trung) chỉ còn lại dấu vết nền móng nằm sâu dưới mặt đất, cùng với một số di vật như công trình thời Nguyễn, tháp cổ... Ngôi chùa đã được xây dựng lại trên nền móng này và bám sát theo các tài liệu khảo cổ, hồ sơ quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công trình do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và UBND Thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư, với mức đầu tư gần 90 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hoá. Đến nay, nhiều hạng mục như Tam bảo, nhà tổ, tam quan, vườn tháp, vườn trưng bày khảo cổ, khu vực trồng mai vàng Yên Tử … đã cơ bản hoàn thiện. Ngoài các kiến trúc xây mới, các dấu vết di tích gốc vẫn được bảo lưu, gìn giữ.
Đến với chùa Ngọa Vân, du khách có thể chọn cho mình hai cung đường chính: một là từ hồ Vành Mâm, Tây Sơn qua khu Đầu Voi, Đá Chồng hoặc từ suối Vàng, suối Bạc qua Đá Chồng để vào Ngọa Vân; hai là đi từ đền An Sinh, qua khu lăng mộ, hồ Trại Lốc rồi men theo dòng suối Phủ Am Trà lên Ngọa Vân….
Theo tài liệu lịch sử, cung đường thứ hai cũng chính là cung đường mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đi lên chùa Ngọa Vân. Hành hương theo con đường này, du khách có thể vào thăm lăng mộ các vua Trần tọa lạc xung quanh khu vực như: Lăng Tư Phúc, Thái miếu của Nhà Trần và Lăng mộ của vua Trần Anh Tông.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội chùa Ngọa Vân và khánh thành chùa Ngọa Vân sau thời gian phục dựng
Đặc biệt, về với lễ hội xuân Ngọa Vân năm nay, bên cạnh lối hành hương bộ truyền thống, du khách đã có thêm một lựa chọn khác, đó là đi bằng cáp treo từ Trại Lốc lên chùa Ngọa Vân.
Công trình này do Công ty TNHH Dịch vụ cáp treo Tâm Đức (Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin) làm chủ đầu tư và do nhà thầu POMA của Pháp thực hiện. Hệ thống cáp treo này dài 2km, gồm 52 ca bin với sức chứa 10 người/cabin. Trong ngày khai hội này, Công ty đã miễn phí cáp treo cho nhân dân và du khách.
Ông Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết, Lễ Khai hội xuân Ngọa Vân từ năm 2016 sẽ được duy trì và trở thành lễ hội truyền thống hàng năm.
"Đây sẽ là ngày mà muôn tâm tụ về cõi Phật, nơi Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và được coi là Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội xuân Ngọa Vân là hoạt động văn hoá mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn”, ông Dương nói.
Ngọa Vân hiện cũng là một trong 14 điểm du lịch, thuộc 4 tuyến du lịch trên địa bàn Thị xã Đông Triều. Với việc lễ hội xuân Ngọa Vân được xây dựng mang tính thường niên, thì Ngọa Vân sẽ trở thành điểm đến mới cho du khách mỗi độ xuân về.
Thu Lê / baodautu.vn