Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, với những tiềm năng, thế mạnh của mình, Quảng Ninh đã và đang tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm mô hình trồng chè hoa vàng của gia đình anh Nịnh Văn Trắng, thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.
Tiềm năng và cơ hội
Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, nông nghiệp chỉ chiếm gần 6% trong GDP của tỉnh. Tuy nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm 75,6% đất tự nhiên. Dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ gần 38,6% và cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 41,8%. Với lợi thế là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, Quảng Ninh xác định việc gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ sẽ tạo cơ hội cho nông nghiệp phát triển mạnh, bền vững.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh bước đầu đã hình thành nên một số vùng gieo trồng tập trung như: vùng trồng lúa Đông Triều, Quảng Yên với diện tích hơn 10.500ha; vùng trồng rau, hoa Quảng Yên, Hạ Long hơn 450ha; vùng cây ăn quả Đông Triều, Uông Bí với diện tích hơn 1.300ha; vùng trồng cây dong giềng gần 200 ha ở huyện Bình Liêu; vùng trồng cây ba kích và cây dược liệu ở 3 huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên với diện tích hàng trăm ha…
Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh bước đầu đã hình thành nên vùng trồng lúa Đông Triều, Quảng Yên với diện tích hơn 10.500ha
Về chăn nuôi, đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung 26 trang trại quy mô 1.000 con lợn thịt và con lợn nái/trang trại; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với diện tích hơn 1.807 ha… Gắn với quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung là các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Trong lâm nghiệp, toàn tỉnh có tổng diện tích đất rừng là 355.767 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 53,5% năm 2014. Diện tích rừng ngập mặn khoảng 21.175 ha. Sản lượng khai thác hàng năm đạt 429.750 m³ gỗ rừng trồng; chế biến gỗ 6.545 m3; nhựa thông 13.700 tấn. Sản phẩm chủ yếu là trồng keo, thông nhựa, sở, hồi, quế và một số loại dược liệu quý như chè hoa vàng, ba kích… Các sản phẩm lâm sản Quảng Ninh đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung với hình thức chăn nuôi trang trại
Cùng với đó, Quảng Ninh còn khai thác những tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực thủy sản với đường bờ biển dài 250km, diện tích mặt biển trên 6.000 km², có diện tích 43.093 ha rừng ngập mặn và bãi triều; 21.800 ha diện tích chương bãi và các cồn rạn có thể phát triển để nuôi các loài nhuyễn thể (tu hài, trai ngọc, hầu Thái Bình Dương, ốc).
Quảng Ninh cũng đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế như: tôm chân trắng, cá rô phi, tu hài, hầu Thái Bình Dương, cá song, cua biển. Bên cạnh đó, biển Quảng Ninh có quần thể đảo lớn nhỏ đan xen tạo thành những vụng kín là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để các tàu cá tránh trú bão an toàn. Quảng Ninh có 53 khu neo đậu tránh trú bão tự nhiên cho tàu đánh cá và 8 khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có 6 khu đã được đầu tư xây dựng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến xuất khẩu.
Ưu đãi lớn với các nhà đầu tư
Xác định doanh nghiệp chính là yếu tố dẫn dắt, đưa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đi đến thành công, thời gian qua, Quảng Ninh đã vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, vào nông nghiệp và nông thôn gồm: ưu đãi tiền thuê đất; chính sách về đất xây dựng khu dân cư, khu tái định cư; chính sách hỗ trợ GPMB; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư; hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ.
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế
Cụ thể: nhà đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí GPMB theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhà đầu tư được hỗ trợ lãi suất tiền vay tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án trong 3 năm; nếu nhà đầu tư có dự án theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, được hỗ trợ 100% lãi suất/ số dư nợ thực tế; thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 3 năm. Hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào dự án 70% (không quá 5 tỷ đồng); hỗ trợ 80% chi phí san lấp mặt bằng nhưng không quá 5 tỷ đồng/ dự án. Về vốn tín dụng, nhà đầu tư có dự án được ưu tiên xem xét vay vốn với lãi suất ưu đãi, được miễn phí dịch vụ, cung cấp thông tin, phòng ngừa rủi ro khi vay vốn tại Chi nhành ngân hàng Phát triển Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ đào tạo nghề trong nước tối đa 70% kinh phí đào tạo đối với doanh nghiệp nhỏ và 50% đối với doanh nghiệp vừa. Hỗ trợ tối đa 70% cho phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm, 70% kinh phí tổ chức triển lãm trong nước đối với doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ tối đa 50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm, 70% kinh phí tổ chức triển lãm trong nước đối với doanh nghiệp vừa; hỗ trợ tối đa 80% chi phí xây dựng thương hiệu các sản phẩm của dự án nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tục về đầu tư nhanh gọn, minh bạch đảm bảo thuận tiện nhất cho các nhà đầu tư…
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh áp dụng mô hình giống ngô lai đơn mới có tiềm năng lớn về năng suất, sản lượng, phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân nhiều địa phương trong tỉnh
Trong tầm nhìn phát triển kinh tế của mình, Quảng Ninh quyết tâm thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút tối đa các dự án đầu tư. Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016; áp dụng một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh…
Ngoài ra, tỉnh đã và đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư có ý tưởng nghiên cứu xem xét cơ hội đầu tư vào một số dự án nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có dự án thành phần khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều; nhóm các dự án đầu tư chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa huyện Hải Hà; dự án khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã của huyện Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên.
Cùng với đó là nhóm các dự án phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè cao cấp xuất khẩu tại huyện Hải Hà, Đầm Hà; các dự án thành phần thuộc vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn, các dự án sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; nhóm các dự án chế biến sâu, bảo quản sản phẩm nông lâm thủy sản công nghệ cao.
Các sản phẩm lâm sản Quảng Ninh xuất khẩu sang nhiều nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc
Một trong những tín hiệu vui đối với thành công của thu hút đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh đó là đầu tháng 10-2015, Tập đoàn Vingroup đã tham gia đầu tư Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều với quy mô khoảng 200 ha, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng. Dự án nông nghiệp này được thực hiện theo quy trình trồng trọt theo hướng VietGap, GlobalGap và hữu cơ, năng suất đối với cây hoa màu khoảng 300 – 400 tấn/ha trồng trong nhà kính. Dự án hướng tới mục tiêu hình thành khu sản xuất nông nghệ ứng dụng công nghệ cao, trung tâm thu mua, sơ chế, bảo quản sản phẩm và chuyển giao công nghệ.
Tới đây, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội nghị tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Theo Sở NN&PTNT, hội nghị này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp FDI, tập đoàn kinh tế lớn. Tại hội nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận thêm về quy hoạch, cơ chế chính sách đầu tư, các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh…
Với những chính sách linh hoạt, tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân. Kết hợp với khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, Quảng Ninh hướng tới trở thành mảnh đất “vàng” thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.
Đặng Dung / quangninh.gov.vn