Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận Kỷ niệm chương cho tỉnh xuất sắc trong PCI năm 2015.
– Năm 2015 là năm đầu tiên Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI, đứng đầu trong các tỉnh phía Bắc và tăng điểm 9/10 chỉ số số thành phần, xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong nỗ lực cải thiện PCI?
Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác quy hoạch. Đến thời điểm này chưa có địa phương nào thực hiện đồng thời cùng lúc việc lập một loạt các quy hoạch chiến lược của tỉnh với sự tư vấn của các đơn vị, tập đoàn tư vấn hàng đầu quốc tế như McKinsey (Mỹ), Nikken Seikei (Nhật Bản), BCG (Mỹ), Nippon Koie (Nhật Bản)… Chỉ tính riêng việc mạnh dạn cho triển khai lập 7 quy hoạch quan trọng gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, sử dụng đất, bảo vệ môi trường, Quảng Ninh đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn so với các địa phương khác trong hoạch định chiến lược phát triển.
“ “Các nhà đầu tư đến Quảng Ninh chỉ cần đến một đầu mối là Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA). Đây là cơ quan do trực tiếp UBND tỉnh chỉ đạo”. Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh „
Thứ hai, Quảng Ninh đã tạo đột phá về hạ tầng kết cấu để không bị chia cắt với các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, quý I/2017 đường cao tốc nối từ TP Hạ Long đi Hải Phòng sẽ hoàn thiện, kết nối với đường cao tốc Hải Phòng- Hà Nội chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, chúng tôi tập trung, quyết liệt cải cách hành chính thông qua mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã, với mục tiêu tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân chỉ tập trung ở một đầu mối. Đồng thời Quảng Ninh cũng đã triển khai chính quyền điện tử hướng tới xử lý toàn bộ trên hệ thống mạng ở cấp độ 3 và cấp độ 4. Qua đó, đẩy nhanh bộ máy hành chính công quyền trước đây thành bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh Tập trung vào một đầu mối cơ quan xúc tiến đầu tư. Các nhà đầu tư chỉ cần đến một đầu mối là Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) để đảm bảo giải quyết nhanh nhất thủ tục.
– Trong các chỉ số thành phần thì chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đang còn thấp và giảm so với năm trước, Quảng Ninh có giải pháp gì để cải thiện chỉ số này thưa ông?
Trong các chỉ số thành phần thì chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đang còn thấp bởi vậy chúng tôi sẽ phân tích, tìm hiểu xem đâu là nguyên và những lĩnh vực nào còn hạn chế để có sự tập trung cải thiện. Từ trước đến nay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chúng tôi đã chú ý nhưng thể hiện chưa rõ nên sẽ phải quyết liệt hơn.
Ngay cả đối với các chỉ số thành phần đã tốt, chúng tôi nghĩ rằng đó mới chỉ những nỗ lực trong giai đoạn vừa qua. Nếu chúng tôi không tiếp tục cố gắng với nỗ lực cao hơn, nhanh hơn thì Quảng Ninh sẽ tụt lại so với chính mình chứ chưa nói so với các địa phương khác.
– Năm 2015, Quảng Ninh đã tham khảo và ứng dụng mô hình chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI), thực hiện thí điểm đánh giá và sáng tạo, mở rộng ra tới cấp sở, ngành (DDCI). Xin ông cho biết, kết quả của khảo sát, đánh giá, công bố trên có ý nghĩa như thế nào trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Quảng Ninh?
Năm 2015 tỉnh Quảng Ninh thực hiện thí điểm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương ở 7 sở, ngành(gồm Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Cục thuế, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Cục hải quan và 6 địa phương (gồm TP Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, TX Đông Triều, Quảng Yên). Việc đánh giá được thực hiện thông qua cuộc khảo sát đánh giá chất lượng hoạt động của sở, ngành và địa phương từ 700 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cuộc khảo sát đã phản ánh đúng thực trạng chất lượng công tác điều hành của các sở, ngành, địa phương qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, làm cơ sở cho UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.
– Theo ông, việc duy trì PCI ở vị trí nhóm “rất tốt” trong những năm gần đây có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh?
Hiện nay, khi doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến PCI như là công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh, lãnh đạo các địa phương sử dụng PCI làm thước đo thành công của các chương trình cải cách về điều hành kinh tế, thì rõ ràng chỉ số PCI có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.
Cụ thể, cùng với nhưng nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt trên 11%, cao nhất trong 4 năm qua và cao nhất trong các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong bối cảnh nguồn đầu tư từ ngân sách ngày càng giảm, muốn kinh tế địa phương phát triển phải dựa vào nguồn lực to lớn của các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Cùng với Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, nếu địa phương nào cải thiện được PCI thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Chính vì vậy tỉnh Quảng Ninh xác định cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo. Đồng thời cam kết, Quảng Ninh sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành địa bàn động lực, một trong những tỉnh đi đầu trong tăng trưởng kinh tế xanh của cả nước.
– Xin cảm ơn ông!
Phan Nam – Thu Trang / DĐDN