Sáng 11/8, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế”, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở tốc độ cao, thu ngân sách nhà nước luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, vị thế của tỉnh Quảng Ninh từng bước được nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Thành- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc
Tuy nhiên, ông Thành cũng đánh giá, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh vẫn còn hạn chế: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dù đạt kết quả khá nhưng còn ít dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Vì vậy trong thời gian tới nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của Quảng Ninh rất nặng nề. Đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần: nâng cao nhận thức, yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế; xác định nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải hiểu rõ, hiểu sâu về hội nhập kinh tế quốc tế; các cơ hội và thách thức để xây dựng được chương trình hành động cụ thể, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường dài hạn, phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến; có đủ năng lực, trình độ để tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ để khẳng định vị thể trên thị trường quốc tế.
Ông Trần Quốc Khánh- Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh, khẳng định: Việt Nam đã trải qua một quá trình nỗ lực rất lớn để tiến tới mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Thực tế cho thấy, trong hơn 20 năm hội nhập, kinh tế Việt Nam đã có bước nhảy vọt, giúp Việt Nam có vị thế hơn trong khu vực và trên trường quốc tế. Nếu như năm 2006 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 50 tỷ USD đến năm 2016 ước đạt 160 tỷ USD.
Thứ trưởng Khánh cho rằng, trong giai đoạn mới, khi Việt Nam tham gia cũng như tiếp tục tiến hành đàm phán để tham gia hàng loạt các hiệp định kinh tế lớn, càng cần phải hiểu rõ hơn, cụ thể hơn về các khái niệm kinh tế và thương mại quốc tế, từ đó mới có cách ứng xử, trang bị phương pháp tiếp cận phù hợp. Từ đó, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời khai thác tối đa các lợi thế địa phương để vượt qua các khó khăn, thách thức đảm bảo sự thành công của hội nhập kinh tế quốc tế.
Với Hiệp định TPP, Thứ trưởng Khánh đánh giá: Trong điều kiện cũng như các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ vào năm 2025. Trong đó xuất khẩu sẽ tăng được 68 tỷ vào năm 2025. Việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được chuỗi cung ứng mới được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Tham gia TPP, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiên môi trường thể chế hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt nam. Đặc biệt việc hoàn thiện và tăng trưởng công tác bảo về quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào nhưng lĩnh vực có hàm lượng trí thức cao.
Thứ trưởng khẳng định: Khi gia nhập TPP chúng ta nhìn thấy rõ lợi ích và thêm niềm tin để bước vào hiệp định mới đó với thân thế rất rõ mình cần cái gì, tại sao mình làm vậy. Đất nước chúng ta còn tồn tại rất nhiều vấn đề, vấn đề hội nhập là xúc tác bên ngoài là điều kiện để chúng ta phát triển kinh tế, cho nên cái đó không tự nhiên biến thành lợi ích mà chúng ta cần nỗ lực và khôn khéo để nắm bắt lợi ích đó.
Thông qua hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, diễn giả hàng đầu Việt Nam về các nội dung: Tổng quan hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may trong bối cảnh mới; giới thiệu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); cơ hội và thách thức từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEUFTA); cơ hội và thách thức của Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh từ TPP, EVFTA…
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị
Đặc biệt, Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển với sự nhiệt huyết cộng với kho tàng kiển thức rất phong phú đồ sộ ông đã đem đến cho hội nghị nhiều bài học hội nhập với cách tiếp cận rất hiện đại. Tại hội nghị, các đại biểu đã được trau dồi rất nhiều kiến thức có ý nghĩa thiết thực và chất lượng. Qua đó các cơ quan quản lý nhà nước các tổ chức đoàn thể, các cấp ủy Đảng của tỉnh Quảng Ninh xác định được nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề đặt ra trong hội nhập quốc tế, khi mà xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phạm Tiệp / baocongthuong.com.vn