So với những niên vụ trước, giá cà phê tươi năm nay được cải thiện đáng kể. Mức giá đầu vụ đã đạt mức “kỷ lục” trong 10 năm gần đây, là tín hiệu vui đối với người trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Những ngày này, nông dân tại Khe Sanh và các địa bàn phủ cận thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đang khẩn trương thu hoạch cà phê. Khác với không khí ảm đạm những năm trước, năm nay ngay từ đầu vụ, giá cà phê chín được các công ty trên địa bàn thu mua với giá khá cao nên mọi người dân đều thấy rất phấn khởi.
Huyện Hướng Hóa là vùng chuyên canh cà phê lớn của khu vực miền Trung
Theo khảo sát của phóng viên, giá mỗi kg cà phê quả tươi thời điểm này dao động từ 9.300 - 9.700 đồng/kg, có lúc gần 10 nghìn/kg. Đây là mức giá “kỷ lục” so với 10 năm gần đây.
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là vùng chuyên canh cây cà phê lớn tại khu vực Trung Trung bộ, từng nổi tiếng với các giống cà phê Catimor, Arabica chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, những năm trước đây, cây cà phê rớt giá một cách thảm hại, có thời điểm xuống chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg quả tươi, khiến người trồng cà phê rơi vào cảnh điêu đứng. Không ít hộ dân đã phải ngậm ngùi chặt bỏ cây cà phê để trồng cây khác, dù cây này đã gắn bó với nông dân, đưa kinh tế gia đình đi lên, đời sống từng bước được cải thiện.
Chính vì những biến động xấu đối với thị trường cà phê các năm trước nên mức giá như hiện nay cũng góp phần khích lệ bà con nông dân, tạo cho họ niềm tin để gắn bó lâu dài với cây cà phê. Loại cây được đánh giá là chủ lực trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Nông dân Phan Xuân Phú (khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) có 2ha trồng cây cà phê chè. Gắn bó với cây cà phê nhiều năm, nhưng chưa năm nào ông Phú thấy giá cả tốt như năm nay. Cà phê bắt đầu chín và được hái cách đây khoảng 2 tuần, lúc đó giá đã dao động từ 6-8 nghìn đồng/kg. Với 2 ha cà phê, dự kiến được khoảng 30 tấn, bán với giá hiện tại thì ông Phú thu được 270 triệu đồng. Hiện tại, mỗi ngày ông Phú thuê 13 nhân công để thu hoạch cà phê. Sau khi thu hái, các đại lý đến tận rẫy thu mua và bao luôn vận chuyển nên việc mua bán rất thuận lợi.
Người dân bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê
Chị Lê Thị Lài, xã Tân Hợp cho biết: “Giá bán cà phê tươi năm nay có phần cao hơn so với mọi năm nên hy vọng sẽ lãi hơn khi trừ các chi phí nhân công, phân bón. Nếu mức giá ổn định từ đây đến hết vụ thì bà con sẽ rất phấn khởi”.
Ông Lê Xuân Huấn, hộ thu mua cà phê tại Khe Sanh cho biết, vào đầu vụ nhưng cà phê bán được giá như vậy là tín hiệu đáng mừng đối với bà con. Hiện tại, giá thu mua cũng đạt 9-9,5 nghìn, nếu thị trường đầu ra ổn định, chắc chắn nhiều hộ sẽ thu lãi cao. Niên vụ này dù cà phê được mùa, được giá, song sản lượng có phần giảm sút do nhiều hộ đã chặt bỏ cây từ vụ trước hoặc cây đang tái sinh nên chưa thể cho quả. Đây cũng là điều rất đáng tiếc đối với người dân.
Theo ông Trần Quang Hải, Giám đốc Công ty cà phê Đại Lộc, giá cà phê Khe Sanh năm nay tăng cao vì đã tìm được chỗ đứng về chất lượng và thương hiệu. Tuy nhiên, ông Hải cũng cảnh báo nhiều nông dân thực hiện khâu thu hái rất ẩu. Đơn cử như thu hái luôn cả cà phê trái xanh và trộn lẫn rác, đất để lấy lợi nhuận trước mắt, nên việc này chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động để hạn chế.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, vụ cà phê năm nay, toàn huyện có gần 5.000ha canh tác cây cà phê chè Catimor chất lượng cao, gồm 4.200ha cà phê kinh doanh và 800ha trồng mới tái canh cây bị già kém chất lượng, năng suất rất thấp, cần được tái canh, trồng mới. Với năng suất bình quân khoảng 12 tấn/ha và với giá thị trường hiện nay là gần 10.000 đồng/kg thì vụ cà phê năm nay, người dân huyện Hướng Hóa dự kiến sẽ thu được khoảng gần 600 tỷ đồng.
Đầu vụ nhưng cà phê được giá khiến người dân phấn khởi
Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực của huyện. Những năm trước, giá cà phê trên thị trường rớt giá, trồng không có lãi, thậm chí còn bị lỗ nên nhiều hộ dân đã có ý định phá bỏ, chuyển đổi sang trồng cây khác. Chính quyền các cấp đã có biện pháp khuyến khích, vận động bà con bảo toàn diện tích cà phê. Đồng thời, liên hệ với các nhà máy thu mua đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân, tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và tái canh cà phê hiệu quả… Sau một thời gian dài ảm đạm thì nay giá đã ổn định, đây là tín hiệu mừng, giúp nông dân yên tâm đầu tư, chăm sóc vào cây cà phê.
Theo Dân Trí