Ngày 12/7, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt các sở, ban ngành và 16 xã, thị trấn ven biển để bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.
Lần đầu tiên sau sự cố môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp có đầy đủ lãnh đạo các địa phương để bàn việc chuyển đổi sinh kế cho ngư dân vùng biển
"Bà con đi cả, vùng biển này lấy ai dựng xây?"
Thảm họa môi trường do Formosa xả thải độc đã gây ảnh hưởng đến hàng vạn ngư dân các tỉnh miền Trung. Ngoài việc yêu cầu phía Formosa bồi thường thiệt hại thì vấn đề khắc phục sự cố môi trường, tìm giải pháp ổn định cuộc sống lâu dài cho ngư dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng và bức thiết nhất hiện nay.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, trình bày nhiều giải pháp chuyển đổi sinh kế lâu dài cho bà con nhân dân. Theo đó những mục tiêu cần thực hiện trong giai đoạn tới là khôi phục, phát triển hoạt động đánh bắt hải sản bằng cách tạo điều kiện cải hoán, nâng cấp tàu cá cho ngư dân; đào tạo nghề khai thác hải sản trung và xa bờ; phát triển nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi, trồng trọt; phát triển rừng ven biển;...
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị cho biết, sự cố môi trường biển đã khiến hơn 8.000 hộ với hơn 44.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Có hơn 2.800 tàu thuyền gặp khó khăn. Hoạt động thu mua, kinh doanh hàng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng bị ngưng trệ.
Nhiều thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân nằm bờ sau khi xảy ra hiện tượng cá chết
Tiếp đó, lãnh đạo các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng cũng đã trình bày các giải pháp ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho bà con, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, xã hội của từng địa phương. Hầu hết các địa phương đề nghị xem xét những yêu cầu của ngư dân trong việc tiếp cận vốn vay để cải hoán tàu cá đánh bắt trung bờ và xa bờ.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, đề xuất 2 nhóm giải pháp chính là tiếp tục bám biển và sản xuất nông nghiệp.
Nói về giải pháp định hướng xuất khẩu lao động, ông Hùng cho rằng không thể áp dụng với huyện Vĩnh Linh, huyện này không có nhu cầu xuất khẩu lao động. “Chúng tôi sẽ quyết tâm đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng, vận động bà con bám biển chứ không để bà con ly hương. Bà con đi cả, vùng biển này lấy ai dựng xây?”, ông Hùng nói.
Việc tạo điều kiện cho ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và trung bờ là yêu cầu bức thiết
Lãnh đạo 2 địa phương Gio Linh, Triệu Phong nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, đào tạo nghề cho lao động địa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, khẳng định việc cần phải vươn khơi bám biển đánh bắt, bởi ngư dân đã có truyền thống lâu đời gắn bó với biển.
Tại hội nghị, ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị trình bày giải pháp cho bà con ngư dân các địa phương phát triển cây sả và hứa sẽ xem xét thu mua sản phẩm cho bà con.
Hỗ trợ mỗi xã một kỹ sư nông nghiệp
Sau khi nghe đại diện các địa phương trình bày các giải pháp chuyển đổi nghề, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định: Sự cố môi trường biển khiến cá chết đã làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân còn hơn một trận “siêu bão”, làm tỷ trọng tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trong 6 tháng đầu năm của Quảng Trị giảm 1,5%.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương xem xét để đưa ra các giải pháp phù hợp để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bà con ngư dân
Để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn ven biển 200 triệu đồng và một kỹ sư nông nghiệp để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Ông Chính nhấn mạnh, việc tìm sinh kế cho người dân vùng biển bị ảnh hưởng do cá chết không chỉ là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị mà mọi tầng lớp xã hội cũng phải vào cuộc tích cực, cùng nhau hành động chứ không chờ đợi chỉ đạo từ Chính phủ. Đây là việc cần làm ngay, không được chậm trễ.
Ngoài việc xây dựng các mô hình nông nghiệp vùng biển, ông Chính cho rằng việc bám biển là yêu cầu không thể tách rời trong thời điểm này. Từ đó, ông Chính chỉ đạo các sở ngành của tỉnh Quảng Trị thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, nơi nào đất chưa sử dụng thì giao cho dân sản xuất nông nghiệp; Xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, áp dụng khoa học, kỹ thuật cao để có hiệu quả; Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu gần bờ sang tàu trung và xa bờ; Trồng rừng trên cát kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng; Nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi… để phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp.
Đăng Đức / dantri.com.vn