Sau 10 năm triển khai thực hiện, Quảng Trị đã huy động được 65.630 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Các đại biểu tham quan các mô hình sản phẩm nông nghiệp trưng bày tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (nông thôn mới) giai đoạn 2010- 2020.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã huy động được 65.630 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn lực huy động được, tỉnh đã đầu tư để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, có nhiều mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa có liên kết tạo lợi nhuận càng lớn cho người nông dân; đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao; đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng đa dạng, trong đó các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; môi trường nông thôn được bảo vệ và cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự khu vực nông thôn cơ bản được đảm bảo. Đã bước đầu định hình được xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước hướng đến miền quê đáng sống. Từng bước giảm dần về khoảng cách phát triển kinh tế giữa các vùng miền.
Đến nay, toàn tỉnh có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã đạt 15,07 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần so với năm 2010, hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn cuối năm 2018 giảm còn 12,03%.
Nhiều mô hình, sản phẩm nông nghiệp thành công từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nên các thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền tại Quảng Trị
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn và có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân hưởng ứng. Nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Nhiều chính sách được ban hành có tác dụng tích cực và trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Chương trình một cách có hiệu quả.
Xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến năm 2020, Quảng Trị phấn đấu có thêm 6-8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tối thiểu có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 75% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2030 có thêm 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Qua gần 10 năm triển khai, phong trào nông thôn mới đã có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tình hưởng ứng. Đã bước đầu định hình được xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước hình thành các miền quê đáng sống.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: nhiều nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, ý thức tự giác chưa cao, kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều ở các địa phương, ở các xã miền núi tiêu chí đạt được còn thấp. Việc sát nhập đơn vị hành chính một số xã sẽ tác động đến số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Từ đó, ông Chính đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, các địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền về nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo các địa phương đã đạt chuẩn thực hiện tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí. Ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững. Tập trung bảo vệ môi trường nông thôn, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng quê nông thôn mới…
Dịp này, tỉnh Quảng Trị đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tiến Nhất - Ngọc Tân / baodautu