Giao dịch tại Ngân hàng Maritime Bank (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm đối với 17 ngân hàng Việt Nam vừa được hãng Moody’s (một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới) thông báo vào chiều 10.10 gây nhiều bất ngờ bởi động thái này được hãng giải thích rằng, không phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng. Bộ Tài chính khẳng định, việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.
17 ngân hàng bị Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm
Theo thông báo của hãng Moody’s, việc xem xét hạ xếp hạng được thực hiện với cả 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cùng 13 ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tương đối lớn gồm ABB, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, NamABank, OCB, SHB, TPBank, VIB, MSB, VPBank và Techcombank. Điều bất ngờ là theo chính thông báo của Moody’s được đưa ra chỉ một ngày sau khi hãng này cho biết xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (hiện ở mức Ba3), việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với 17 ngân hàng không phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng này yếu đi.
Lý giải việc xem xét hạ tín nhiệm với các ngân hàng hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của hãng với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, Moody’s cho rằng, tín nhiệm quốc gia là yếu tố chính ảnh hưởng đến xếp hạng với các ngân hàng Việt Nam, qua đó sẽ quyết định đánh giá về khả năng Chính phủ hỗ trợ các ngân hàng trong thời kỳ khó khăn. Cụ thể nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ, Chính phủ sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng, từ đó khiến tín nhiệm một số ngân hàng thấp đi.
Đánh giá về động thái của Moody’s, một đơn vị thuộc ngân hàng BIDV đánh giá, ngoài việc đánh giá lại xếp hạng Ba3 của Việt Nam, hãng này cũng cân nhắc hạ mức điểm tín dụng xuống và việc đánh giá xếp hạng dự kiến sẽ được hoàn thành trong 3 tháng tới. “Do hạng tín dụng của Việt Nam đang bị đánh giá lại, một số ngân hàng đứng đầu cũng có thể bị giảm hạng tín dụng khi Moody’s chỉ cho phép mức điểm tín dụng cao nhất của ngân hàng trong một quốc gia ngang bằng với hạng mức tín dụng của quốc gia đó. Cụ thể là ACB, MBB, Techcombank và Vietcombank” - nhóm chuyên gia phân tích của đơn vị trên đưa đánh giá. Hơn nữa, việc điểm tín dụng bị suy giảm sẽ khiến mức lãi suất của các nhóm trái phiếu tăng mạnh lại do nhà đầu tư ngoài nước sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ vay rủi ro. Điều này có thể sẽ gây tác động tiêu cực với các nhóm doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư ngoài nước. Đặc biệt là trong công đoạn quản lý dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dự án trọng điểm.
Các ngân hàng của Việt Nam bị Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm được Bộ Tài chính thông báo là không phù hợp.Ảnh: HẢI NGUYỄN
Dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp
Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh việc đang bị xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết, về việc này Bộ Tài chính đã có thông tin phản hồi chính thức với thông báo của Moody’s. Cụ thể ngay khi Moody’s phát ra thông báo, Bộ Tài chính ngay từ chiều tối 10.10 cũng đã phát đi thông báo trong đó khẳng định: “Việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp”.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm Việt Nam bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ. Trong khi đó, đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.
Bộ Tài chính khẳng định, việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo đó, hãng này cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. “Moody’s chỉ trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục và việc Moody’s đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế” - thông báo của Bộ Tài chính khẳng định.
Theo Lao động