Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó, mức tăng trưởng GDP là khoảng 6,5% và mục tiêu CPI bình quân khoảng 4,5%.
Tại phiên họp chiều ngày 10/11, có 645/646 đại biểu đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung về mục tiêu tổng quát đã được rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2023, là cơ sở để triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu đưa vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Về chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% là thấp; đề nghị nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chưa khả thi; đề xuất nâng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên khoảng 6-8%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% để thực hiện mục tiêu tổng quát, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sát với tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cơ bản phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng "trong mọi tình huống"; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và "sát thực" với "diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước"; triệt để "thực hành" tiết kiệm, "chống lãng phí"; "kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro"…
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Ảnh: Hải Long).
Đồng thời, Nghị quyết cũng đã bổ sung nội dung về nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh"\; quan tâm phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan tới ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "triệt để" trong nội dung "khắc phục triệt để, hiệu quả tình trạng "sở hữu chéo", cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau"", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế có ý kiến.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, tình trạng "sở hữu chéo", cho vay không đúng quy định, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" là những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, an toàn, an ninh tài chính cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với yêu cầu "chấm dứt tình trạng "sở hữu chéo"", do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.