Ảnh: Anh Quân
Các quy định về điều kiện kinh doanh logistics ra đời cách nay gần 10 năm đã không còn phù hợp trong xu thế phát triển và hội nhập của ngành này.
Bất cập kéo dài
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và các hiệp định thương mại, hoạt động logistics tại Việt Nam đã có sự phát triển và thay đổi, thế nhưng vẫn bị trói buộc bởi các quy định cũ không còn phù hợp. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp logistics sắp thành lập đang gặp khó.
Đại diện một nhà đầu tư nước ngoài than thở rằng doanh nghiệp ông muốn thành lập riêng công ty vận tải hàng hóa tại Việt Nam, nhưng không được chấp nhận. Theo cam kết WTO thì từ ngày 1-1-2014, các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đối với ngành nghề vận tải hàng hóa, tuy nhiên, Nghị định 140/2007 quy định về điều kiện kinh doanh logistics vẫn yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh với một công ty Việt Nam.
Ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Công Thương, cũng thừa nhận Nghị định 140 bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Các nhà đầu tư luôn than phiền Việt Nam chậm sửa đổi điều kiện kinh doanh logistics theo cam kết WTO. Theo ông Thưởng, việc thay đổi quy định là cần thiết.
Tại hội thảo về rà soát các quy định trong quản lý dịch vụ logistics diễn ra hồi đầu tháng 9, bà Vũ Thị Vân Nga ở Vụ Pháp chế cũng chỉ ra hàng loạt bất cập của nghị định này. Trong đó, việc phân loại dịch vụ logistics thành ba nhóm (gồm: các dịch vụ logistics chủ yếu; các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải; các dịch vụ logistics khác) là không có ý nghĩa trên thực tế do không gắn kết với Luật Thương mại và không phù hợp với thực tiễn phát triển.
Và như nêu trên, một số quy định của Nghị định 140 chưa thống nhất với biểu cam kết WTO. Cụ thể, đối với dịch vụ kho bãi (CPC 742), theo biểu cam kết dịch vụ trong WTO, bảy năm sau khi gia nhập (tức từ năm 2014 trở đi), nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b, khoản 3, điều 5 của Nghị định 140, thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ kho bãi chỉ được thành lập công ty liên doanh. Tương tự, với dịch vụ đại lý vận tải (CPC 748), theo cam kết WTO thì từ năm 2014 trở đi, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng theo điểm c, khoản 3, điều 5 Nghị định 140, thương nhân kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải cũng chỉ được thành lập công ty liên doanh.
Theo đại diện một doanh nghiệp logistics, khi đã có quy định chung về điều kiện kinh doanh logistics thì chỉ nên áp dụng một nghị định, tránh áp dụng quá nhiều nghị định ở các ngành khác như vận tải, hải quan, thuế... |
Ngoài ra, so với cam kết WTO, Nghị định 140 chưa quy định đầy đủ nội dung về hạn chế tiếp cận thị trường, như điều kiện về thuyền viên đối với dịch vụ vận tải biển hay về dịch vụ thông quan.
Sửa thế nào để phù hợp với thực tế
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 140 đang được lấy ý kiến, việc phân loại dịch vụ logistics không còn chia làm ba nhóm như trước mà được chia cụ thể như dịch vụ kho bãi; dịch vụ thông quan; vận tải đường bộ; đường biển; đường sắt...
Về điều kiện kinh doanh logistics đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp một số dịch vụ logistics. Cụ thể, công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế. Công ty nước ngoài cũng được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ kho bãi container, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa; dịch vụ chuyển phát.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hoạt động dịch vụ mà doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước, như môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa; vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường sắt; đường bộ... với tỷ lệ vốn góp nước ngoài không quá 49-51%, tùy theo lĩnh vực.
Hiện nay, dịch vụ kinh doanh logistics được quy định tại Luật Thương mại năm 2005, Nghị định 140/2007/NĐ-CP; hoạt động vận tải thì chịu sự điều chỉnh của các văn bản theo từng lĩnh vực như vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; hoạt động bưu chính chịu sự quy định của Luật Bưu chính; giới thương nhân nước ngoài kinh doanh logistics được điều chỉnh bởi Nghị định 23/2007/NĐ-CP. |
Ông Ngô Trung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, phân tích việc quy định doanh nghiệp nước ngoài phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước có cái lợi là giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm hợp đồng, tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên, sẽ khó thu hút đầu tư nếu nhà đầu tư nước ngoài không muốn liên doanh. Ông Khanh nhắc lại: “Khi gia nhập WTO, phái đoàn Việt Nam phải mất năm năm đàm phán về các điều kiện kinh doanh logistics. Lúc đó, phía Mỹ từng phản đối việc bắt buộc liên doanh ở một số dịch vụ”.
Theo đại diện một doanh nghiệp logistics, hiện nay doanh nghiệp đang bị “bóng ma” về điều kiện kinh doanh ám ảnh, cụ thể ở đây là giấy phép con. Ví dụ như xe vận tải đường bộ phải có đầy đủ các phù hiệu, biển hiệu... Vị này cho rằng khi đã có quy định chung về điều kiện kinh doanh logistics thì chỉ nên áp dụng một nghị định, tránh áp dụng quá nhiều nghị định ở các ngành khác như vận tải, hải quan, thuế...
Góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 140, ông Vũ Xuân Phong, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho rằng dự thảo quy định dịch vụ kiểm tra vận đơn phải lập liên doanh, nhưng trên thực tế, không có công ty nào làm riêng công việc kiểm tra vận đơn. Thế mà dự thảo lại quy định muốn làm chứng từ vận tải hoặc muốn kiểm tra vận đơn thì phải lập liên doanh, như thế là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, việc quản lý dịch vụ logistics thuộc quá nhiều bộ như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... trong khi việc phối hợp giữa các bộ ngành chưa tốt khiến nhiều khi không giải quyết được vấn đề. Ông Phong đề nghị thành lập một cơ quan cấp quốc gia có thẩm quyền điều hành hoạt động dịch vụ logistics, bởi theo ông, một cơ quan điều phối chung giúp sẽ xóa được nhiều rào cản, tạo điều kiện đưa dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng phát triển và hội nhập.
Lê Anh / thesaigontimes