Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Quy định tốc độ tối đa
Theo đó, xe cơ giới, trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trong khu vực đông dân cư trên đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 60 km/h. Tại đường 2 chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 50 km/h.
Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới trên đường bộ (trừ đường cao tốc) ngoài khu vực đông dân cư như sau:
Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông (trừ đường cao tốc) thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h.
Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.
Giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 xe
Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Các trường hợp phải giảm tốc độ
Thông tư cũng quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau: 1- Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; 2- Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; 3- Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường mà mặt đường không êm thuận; 4- Qua cầu, cống hẹp; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; 5- Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông; 6- Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; 7- Có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường; 8- Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; 9- Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe; 10- Gặp xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ; gặp xe quá khổ, quá tải, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ; 11- Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi; 12- Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm cảnh sát giao thông, trạm thu phí.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2016.
Nguồn: Bộ Giao thông vận tải