Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.
2. Phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và phân phối; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; coi trọng công tác cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
4. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo; phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoàn chỉnh Chiến lược quốc phòng, an ninh với vị trí Đồng Tháp là địa phương nằm trong khu vực biên giới của vùng đồng bằng sông Cửu Long và trong thế hội nhập kinh tế của khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát:
- Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong đó chú trọng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế của Tỉnh xếp vào hàng khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có vị trí tương xứng là cửa ngõ của Vùng.
- Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; từng bước tạo ra những tiến bộ cơ bản, vững chắc trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp, trước hết là những sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhanh sau năm 2015; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về kinh tế:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,0% năm giai đoạn 2011 - 2015 và 12,4%/năm giai đoạn 2016 - 2020; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.500 USD vào năm 2015 và trên 2.900 USD vào năm 2020.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến năm 2015, cơ cấu ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 37,0% - 30,0% - 33,0%; đến năm 2020 là 28,5% - 36,5% - 35,0%.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD vào năm 2015 và 1.350 triệu USD vào năm 2020, tăng bình quân 11,7%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu trực tiếp qua biên giới chiếm khoảng 10%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt từ 9% - 11% GDP/năm và tốc độ tăng thu ngân sách tăng bình quân 12%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm đạt khoảng 29% - 31%/GDP; phấn đấu đến năm 2020 mật độ đường ô tô đạt 1,0 - 1,3 km/km².
b) Về văn hóa - xã hội:
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 1,0%/năm; chỉ số HDI đạt khoảng 0,893 vào năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2% (theo chuẩn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 32,8% vào năm 2015 và 38% vào năm 2020.
- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông sau năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,5% vào năm 2015 và đạt 69% vào năm 2020; tốc độ đổi mới công nghệ phấn đấu đạt bình quân 17% - 21%/năm.
- Đến năm 2015, phấn đấu đạt 6,0 bác sĩ và 24 giường bệnh/1 vạn dân; năm 2020 đạt 8,0 bác sĩ và 26 giường/1 vạn dân; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 16,6% năm 2015 và 15% năm 2020; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã trước năm 2015; hạn chế và giảm đáng kể các bệnh nhiễm vi rút HIV/AIDS và các dịch bệnh khác.
- Phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 98% gia đình văn hóa và trên 80% xã, phường đạt danh hiệu và tiêu chuẩn văn hóa; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao trong toàn Tỉnh.
- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị chỉ còn dưới 3%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong khu vực nông thôn đạt khoảng 90%, hàng năm tạo việc làm cho trên 30.000 lao động; 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 1%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong khu vực nông thôn lên khoảng 95%, tạo việc làm hàng năm cho trên 20.000 lao động.
- Bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc tuyến biên giới quốc gia trong mọi tình huống.
c) Về bảo vệ môi trường:
- Phấn đấu tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% vào năm 2015 và 97% vào năm 2020; tỷ lệ hộ dân khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt 97% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
- Đến năm 2015 tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom và xử lý đạt 90% và năm 2020 đạt 95%; rác thải y tế được xử lý năm 2015 đạt 100%.
- Phấn đấu đạt 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới có công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị làm giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường vào năm 2015.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn:
Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có tính chiến lược như lúa, cá da trơn, hoa cảnh, rau đậu, xoài cát, quýt hồng, thịt lợn, thịt bò; hình thành, phát triển ổn định, bền vững các vùng nuôi trồng chuyên canh nông sản phẩm hàng hóa với quy mô tập trung, từ đó từng bước hệ thống hóa tiêu chuẩn nuôi trồng nhằm bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,0%/năm thời kỳ 2011 - 2020; cơ cấu nội bộ ngành nông - lâm - thủy sản đạt 61,6% - 0,9% - 37,5% vào năm 2015 và đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 56,7% - 1,1% - 42,2%, trong đó:
- Nông nghiệp: đảm bảo ổn định diện tích canh tác lúa khoảng 195.000 ha, hình thành các vùng sản xuất lúa quy mô tập trung; phát triển các hệ thống canh tác rau màu, cây công nghiệp trên khu vực cù lao và ven sông Tiền, sông Hậu; phát triển kinh tế vườn quy mô khoảng 28.600 ha canh tác, tập trung với các sản phẩm thế mạnh của Tỉnh, khai thác tiềm năng kinh tế vườn; từng bước tiếp cận và phấn đấu đạt các tiêu chuẩn một số loại sản phẩm nông nghiệp; đổi mới phương thức sản xuất làng nghề kết hợp với kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao đối với sản xuất hoa kiểng tại Sa Đéc, tiến tới hình thành khu nông nghiệp kỹ thuật cao tại thị xã Sa Đéc (chuyên hoa cảnh) và thành phố Cao Lãnh (chuyên giống cây trồng, vật nuôi).
Phát triển đàn heo cả về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh chăn nuôi trang trại, nuôi tập trung; hình thành vùng chăn nuôi và trung chuyển bò thịt tập trung; phát triển ổn định số lượng gia cầm theo hướng kiêm dụng, chú trọng phát triển nuôi công nghiệp kết hợp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt.
- Thủy sản: chú trọng phát triển các loại hình nuôi thâm canh, bán thâm canh trên khu vực bãi bồi, nuôi đăng quầng; mở rộng diện tích nuôi ao hầm, nuôi tôm trên ruộng lúa vào mùa lũ và ổn định nuôi bè; phát triển bền vững trên cơ sở tiêu chuẩn hóa, đa dạng hóa phương thức nuôi, cải thiện chất lượng sản phẩm; ổn định quy mô đánh bắt thủy sản nội địa nhằm khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sông rạch, đồng lũ.
- Lâm nghiệp: phát triển 3 loại rừng tập trung trên cơ sở phủ kín quỹ đất lâm nghiệp hiện có. Trong đó, đất khu bảo tồn thiên nhiên 7.106 ha thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim; đất rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới và phòng hộ môi trường, bảo vệ bờ kênh, đê bao, cụm tuyến dân cư, diện tích 1.335 ha; đất rừng sản xuất với 2 loài cây chính tràm và bạch đàn, diện tích 7.526 ha. Tăng cường trồng cây phân tán chắn sóng, gió, sạt lở đất, kết hợp nhu cầu quốc phòng, hàng năm trồng mới 4 - 5 triệu cây phân tán các loại.
- Phát triển nông thôn: đẩy mạnh phát triển, xây dựng nông thôn với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 30 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại đạt ít nhất 50% tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2020 có khoảng 60 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
2. Về công nghiệp, xây dựng:
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,5%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 15,2%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; phát triển các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế.
- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch; sản xuất hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp và hàng tiêu dùng, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và các sản phẩm khác mà địa phương có lợi thế.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: gạo xay xát và lau bóng, bánh phồng tôm, trái cây sơ chế, rau quả đóng hộp, thủy sản đông lạnh, thức ăn cho gia súc, thủy sản, hàng may mặc, giày xuất khẩu, sản phẩm cơ khí, máy móc các loại, sản phẩm điện tử…
Tập trung phát triển nhanh, hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Định hướng đến năm 2020, toàn Tỉnh có khoảng 07 khu công nghiệp tập trung và 32 cụm, tuyến công nghiệp được xây dựng với tổng diện tích đất quy hoạch trên 4.626 ha.
- Ngành xây dựng: chú trọng nâng cao năng lực xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển, tăng dần về quy mô và chất lượng xây dựng; tập trung vào các công trình trọng điểm trên địa bàn, tiếp tục chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh hiện đại phù hợp với sự phát triển theo từng thời kỳ.
3. Về thương mại và dịch vụ:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 15,0%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 14,1%/năm giai đoạn 2016 -2020. Phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, gắn liền với việc mở rộng giao thương với các tỉnh, thành trong và ngoài nước mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biên giới đất liền.
- Sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, ưu tiên phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, tiện ích; tiếp tục quy hoạch và xây dựng các trung tâm thương mại cấp tiểu vùng (Sa Đéc, Hồng Ngự, Lấp Vò, Mỹ An, Mỹ Thọ…) các chợ đầu mối lúa gạo, trái cây, hoa cảnh và cá, lợn, bò; khuyến khích đầu tư xây dựng cửa hàng tự chọn, các cửa hàng liên kế tại trung tâm các chợ huyện, thị xã, siêu thị, trung tâm bán sỉ, cửa hàng chuyên doanh hàng cao cấp; phát triển hệ thống chợ dân sinh, đặc biệt là tại khu vực nông thôn phù hợp với quy hoạch.
- Phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du khảo văn hóa; hình thành các cụm du lịch như cửa khẩu biên giới, thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc; các khu du lịch như khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu du lịch Xẻo Quít, khu di tích Gò Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong và ngoài nước tạo các tuyến du lịch liên tỉnh, các tuyến du lịch với các nước.
- Phát triển đa dạng và đồng bộ các loại hình dịch vụ nhất là các loại hình dịch vụ có tác dụng trực tiếp trong việc thúc đẩy các ngành sản xuất kinh doanh phát triển như vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…
4. Về phát triển kết cấu hạ tầng:
a) Giao thông: gắn kết với mạng lưới giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long và với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Phát triển trục dọc giao thông Tây Bắc - Đông Nam: kết nối vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng kinh tế biên giới với quốc lộ 1A (bao gồm các tuyến quốc lộ 30, 54, 80); phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc nâng cấp đường tỉnh ĐT.848 thành quốc lộ 80B và mở mới quốc lộ 30B.
- Phát triển hệ trục ngang Đông Bắc - Tây Nam, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc nâng cấp tuyến đường tỉnh ĐT.846 lên quốc lộ; phấn đấu hoàn thành việc xây dựng các tuyến N1, N2, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống.
- Hệ thống đường tỉnh: chủ động xem xét việc nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, các tuyến đường cấp huyện và liên xã; phát triển đồng bộ các tuyến đường đô thị.
- Giao thông thủy: nạo vét, mở rộng đáy luồng theo chuẩn tắc luồng tàu phù hợp đối với các luồng tuyến chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long đi qua địa bàn Tỉnh (tuyến sông Tiền, sông Hậu) đảm bảo cho tàu trọng tải trên 5.000 DWT lưu thông, các tuyến còn lại cho tàu, sà lan từ 200 - 600 DWT lưu thông; nạo vét luồng chạy tàu theo chuẩn tắc các tuyến nội tỉnh chính, đảm bảo cho tàu tự hành, sà lan, tàu kéo trọng tải từ 100 - 600 DWT lưu thông.
- Từng bước đầu tư nâng cấp các cảng trên địa bàn Tỉnh đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng 3.000 - 10.000 DWT; định hình hóa các bến thủy nội địa về quy mô đảm bảo khả năng hàng tác nghiệp thông qua 100 - 150 - 200 ngàn tấn/năm; nâng cấp cảng hành khách, bến tàu, bến đò ngang sông đúng cấp kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả kinh tế và an toàn.
b) Thủy lợi:
Nghiên cứu đầu tư kênh trục dẫn nước, thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười; các kè, bờ bao bảo vệ thành phố, thị xã, thị trấn; hệ thống kiểm soát lũ vườn cây ăn quả gắn với hệ thống kiểm soát lũ của Tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hệ thống nội đồng, phấn đấu đến 2020 có trên 90% diện tích canh tác được tưới bằng bơm điện.
c) Cấp điện, cấp, thoát nước và xử lý nước thải:
- Xây dựng các công trình điện theo quy hoạch, đảm bảo nhu cầu công suất 422 MW vào năm 2015 và 722 MW vào năm 2020, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của dân cư.
- Từng bước đầu tư nâng cấp, xây mới đồng bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, khu dân cư nông thôn, đảm bảo theo yêu cầu nước cho sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, đặc biệt là tại khu đô thị, khu cụm công nghiệp.
d) Thông tin truyền thông:
Phát triển mạng thông tin truyền thông hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, chú trọng vùng nông thôn, biên giới; phấn đấu đến năm 2015 mật độ thuê bao internet/100 dân đạt 55; năm 2020 đạt 65 thuê bao.
5. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội:
a) Giáo dục và đào tạo:
- Phát triển giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để mọi người dân được đi học và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, hoàn thành việc kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn Tỉnh trước năm 2015; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2015 tỷ lệ trường đạt chuẩn ở mầm non 15%, tiểu học 25%, trung học cơ sở 30%, trung học phổ thông 50%; năm 2020 đạt chuẩn theo thứ tự trên là: 30%, 60%, 50% và 80%.
- Đến năm 2015, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục trung học tại thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và các thị trấn; toàn Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông sau năm 2015.
- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo theo nhu cầu của xã hội; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, củng cố mạng lưới các trường dạy nghề.
- Từng bước đầu tư xây dựng Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Trung cấp nghiệp vụ Giao thông phù hợp với nguồn lực và nhu cầu về nguồn lao động; tiếp tục đầu tư trường trung cấp nghề theo nhu cầu thực tế của các huyện; có cơ chế hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề tư nhân phát triển phù hợp theo quy hoạch chung của Tỉnh.
b) Khoa học - công nghệ và môi trường:
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hàng hóa và hỗ trợ xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ; tiến hành tiêu chuẩn hóa các mặt hàng sản xuất chủ lực trên địa bàn tỉnh, bước đầu xây dựng thủ tục chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản đặc thù có thế mạnh của Tỉnh (lúa, cá tra, tôm càng xanh, xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, hoa cảnh).
- Phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ toàn xã hội đạt 17% - 21%/năm. Đến năm 2020, các đơn vị sự nghiệp chuyên khoa học và công nghệ chuyển sang hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy mô trung bình trong khu vực dân doanh.
- Nâng cao nhận thức và gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất, cá nhân và cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm, phòng chống sự cố môi trường tại khu vực đô thị, các khu cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, vùng nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ gia súc - gia cầm, các cụm, tuyến dân cư tập trung. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; lồng ghép các nguyên tắc bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.
c) Dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân:
- Thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên thời kỳ 2011 - 2020 duy trì ở mức 1,0% năm, dân số trung bình có khoảng 1,76 triệu người vào năm 2015 và khoảng 1,85 triệu người vào năm 2020.
- Phấn đấu để mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở.
- Nghiên cứu đầu tư, xây dựng bệnh viện đa khoa Đồng Tháp và nâng cấp các bệnh viện đa khoa khu vực phù hợp với nguồn lực trong từng thời kỳ; hoàn thành dự án nâng cấp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện; đầu tư xây dựng các bệnh viện chuyên khoa (Sản Nhi, Phổi, Lây nhiễm, Tâm thần) phù hợp với quy hoạch. Đầu tư trang bị đạt chuẩn cho Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng chống AIDS, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm theo từng thời kỳ. Xem xét nâng cấp các phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế xã phường theo chuẩn quốc gia và phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
d) Văn hóa và thể dục, thể thao:
- Tiếp tục đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm như: khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Gò Tháp, khu di tích Xèo Quýt, Vườn quốc gia Tràm Chim… Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho công tác thông tin, tuyên truyền.
- Phát triển phong trào thể dục, thể thao, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất thể dục thể thao; chú trọng việc tăng cường đầu tư phát triển, lực lượng thể thao thành tích cao của Tỉnh, giữ vững thành tích các môn thể thao mũi nhọn và nâng cao chất lượng một số môn thể thao địa phương có tiềm năng như điền kinh, bơi lội, cờ vua…
đ) Giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội:
- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và toàn diện, hạn chế tái nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, nâng dần mức sống của người dân nhất là đối với vùng nông thôn, biên giới; tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, chương trình nhà ở cho hộ nghèo; tạo nguồn kinh phí giúp cho lao động nghèo học nghề, tìm việc làm sau đào tạo thông qua Trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở dạy nghề.
- Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào đền ơn đáp nghĩa, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong việc trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, bảo đảm ổn định cuộc sống cho các đối tượng chính sách xã hội. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là các trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em vùng sâu ít có điều kiện tiếp cận tiến bộ xã hội.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng xã, phường lành mạnh, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các đội tình nguyện tại cộng đồng.
(Trích Quyết định 470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/3/2011)