I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 bảo đảm nguyên tắc phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của Vùng miền Trung; xây dựng Khánh Hoà trở thành trung tâm của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; bảo đảm mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị, nền hành chính nhà nước và bảo vệ môi trường.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hình thành những ngành sản xuất và dịch vụ có năng suất và hàm lượng giá trị gia tăng cao, những vùng động lực phát triển của Tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy các thế mạnh, lợi thế của Tỉnh; huy động tối đa nội lực đi đôi với thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài, nhất là vốn đầu tư, khoa học - công nghệ và phát triển thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đầu tư phát triển toàn diện, kết hợp đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá và phát triển nông thôn; giảm dần sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong Tỉnh.
Thực hiện chiến lược phát triển con người, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng miền núi và các đối tượng chính sách.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.
1. Về phát triển kinh tế:
Duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng GDP thời kỳ 2006 - 2010 khoảng 12%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 12,5%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 13%/năm. Tổng GDP của tỉnh (giá so sánh 1994) đạt 13.226 tỷ đồng vào năm 2010; đạt 23.834 tỷ đồng vào năm 2015 và đạt 43.913 tỷ đồng vào năm 2020. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 19,477 triệu đồng vào năm 2010, đạt 32,777 triệu đồng vào năm 2015 và đạt 56,71 triệu đồng vào năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm 2010 là công nghiệp - xây dựng 43,5%; nông - lâm - ngư nghiệp 13%; dịch vụ 43,5%. Năm 2015 là: công nghiệp - xây dựng 45%; nông - lâm - ngư nghiệp 8%; dịch vụ 47%. Đến năm 2020 là: công nghiệp - xây dựng 47%; nông - lâm - ngư nghiệp 6%; dịch vụ 47%.
Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước thời kỳ 2006 - 2010 khoảng 22% GDP, thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 22-23% GDP, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 24% GDP.
Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 18%/năm giai đoạn 2006 - 2010, tăng 15 - 16%/năm giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD và đến năm 2020 đạt khoảng 3,2 - 3,5 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2006 - 2010 đạt 38 - 40% GDP, thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 40 - 45% GDP.
2. Về phát triển xã hội:
Tỷ lệ tăng dân số thời kỳ 2006 - 2010 là 1,6 - 1,7%, thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 1,4 - 1,5%. Giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống 4,2% vào năm 2010 và xuống dưới 4% vào năm 2020, nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 68,5 - 70%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khoảng 70%; mức sống bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I.
Đẩy mạnh các chương trình quốc gia về văn hóa, y tế, nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư trường lớp, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt khoảng 40%; năm 2020 đạt khoảng 60 - 70%. Đến năm 2010, có 80% lao động sau khi đào tạo có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%.
3. Về bảo vệ môi trường:
Phòng ngừa có hiệu quả ô nhiễm môi trường, giữ gìn môi trường biển và ven biển để phát triển du lịch. Cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm nguồn nước hợp vệ sinh và đến năm 2010, khoảng 96% dân số được sử dụng nước sạch, thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt, quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế. Bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực quản lý môi trường.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC.
1. Phát triển du lịch.
Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Tỉnh. Duy trì tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân 16%/năm, tăng trưởng về lượt khách du lịch bình quân 10%/năm.
Phát triển mạnh du lịch quốc tế, lấy du lịch quốc tế làm động lực thúc đẩy du lịch nội địa và các ngành dịch vụ phát triển. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung vào du lịch văn hóa Chàm và văn hóa Sa Huỳnh; du lịch nghỉ ngơi giải trí và thể thao, du lịch cuối tuần; du lịch cảnh quan ven biển, trú đông nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo. Đẩy mạnh xúc tiến và tiếp thị du lịch, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Khánh Hòa ra thị trường thế giới, tìm kiếm mở rộng thị trường mới. Chú trọng đầu tư tại Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh,... một số khu, điểm du lịch tầm cỡ quốc tế, có khả năng cạnh tranh với một số trung tâm du lịch biển lớn của các nước lân cận. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch. Tổ chức các tuyến du lịch và nối các tuyến du lịch trong tỉnh với các tuyến du lịch của cả nước. Từng bước nâng cao tiêu chuẩn của ngành du lịch ngang tầm quốc tế.
2. Phát triển các ngành dịch vụ: huy động mọi khả năng, nguồn lực để phát triển các ngành dịch vụ. Nhịp độ tăng trưởng khối ngành dịch vụ bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 13,8%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 là 13,1%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 là 12,8%/năm. Trong đó, tập trung phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu sau:
- Dịch vụ vận tải: đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có thể tiếp nhận tàu container trọng tải từ 4.000 - 6.000 TEU. Năng lực hàng hóa thông qua đạt 500 nghìn TEU trong giai đoạn trước năm 2010, đạt 1,0 triệu TEU trong giai đoạn từ 2010 trở đi và đạt khoảng 4,5 triệu TEU vào năm 2020. Mở rộng, nâng cấp sân bay Cam Ranh thành sân bay quốc tế; có thể đón 1 triệu lượt khách vào năm 2010 và khoảng 2 triệu lượt khách vào năm 2020.
- Thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu: phát triển thương mại, từng bước hiện đại, bảo đảm lưu thông hàng hóa nhanh, thuận tiện, kích thích sản xuất phát triển. Tập trung củng cố mạng lưới thương nghiệp toàn khu vực. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế kinh doanh theo cơ chế thị trường và đúng pháp luật. Xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ hiện đại tại Nha Trang và Cam Ranh. Hoàn thiện mạng lưới chợ, đặc biệt là các chợ trung tâm thành phố Nha Trang và các huyện. Hình thành khu vực chợ đầu mối tại phía Tây thành phố Nha Trang. Xây dựng ở mỗi huyện từ 1 - 2 chợ trung tâm và khu vực, hoàn chỉnh hệ thống chợ ở nông thôn. Về xuất khẩu, chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu quy hoạch xây dựng trung tâm giao dịch thương mại quốc tế tại Nha Trang.
- Các ngành dịch vụ khác như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, công nghệ thông tin và phần mềm, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp.v.v…
3. Phát triển công nghiệp.
Phát triển công nghiệp với nhịp độ cao và ổn định. Nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm tính theo giá trị gia tăng thời kỳ 2006 - 2010 là 14%, thời kỳ 2011 - 2020 là 14,6%. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển mạnh 8 nhóm ngành sản phẩm: chế biến thủy sản; chế biến nông sản; chế biến lâm sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; khai thác - chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, phụ liệu may, giày dép; sản xuất bia, nước giải khát nước khoáng; cơ khí, điện tử, đóng và sửa chữa tầu biển; công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp khác. Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tăng nhanh tỷ lệ sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm.
Từ nay đến năm 2010, hình thành 5 khu công nghiệp trên địa bàn: suối Dầu, Ninh Thủy, Nam Cam Ranh, Bắc Cam Ranh, Vạn Ninh. Hình thành một số khu công nghiệp vừa và nhỏ có quy mô 40 - 50 ha như: khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hòn Ông và khu công nghiệp Đắc Lộc tại thành phố Nha Trang, khu công nghiệp Diên Phú tại huyện Diên Khánh, khu công nghiệp Ninh Xuân tại huyện Ninh Hòa, KCN Sông Cầu tại huyện Khánh Vĩnh.
4. Nông - lâm - ngư nghiệp và phòng chống thiên tai.
- Nông nghiệp: đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi, tăng các loại nông sản hàng hóa có lợi thế của tỉnh. Bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng nội bộ và khách du lịch.
- Lâm nghiệp: đến năm 2010, toàn tỉnh có 231.812 ha rừng, chiếm 44,6% tổng diện tích đất tự nhiên. Chăm sóc bảo vệ diện tích rừng hiện có, trồng mới, khoanh nuôi tái sinh, nuôi dưỡng và khai thác rừng hợp lý.
- Thủy sản: tiếp tục đầu tư phát triển nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển khai thác xa bờ; đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến năm 2010, sản lượng khai thác đạt 100 - 110 nghìn tấn, sản lượng nuôi, trồng đạt 30 - 35 nghìn tấn. Diện tích nuôi, trồng thủy sản khoảng 5.000 - 5.500 ha.
- Phòng chống thiên tai: tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, hiện đại hóa các thiết bị tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đầu tư trồng rừng ngập mặn, rừng chống cát bay, đầu tư đê sông, đê biển, hệ thống tiêu thoát lũ.
5. Xây dựng kết cấu hạ tầng.
- Giao thông:
+ Hàng hải và đường thủy nội địa: xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong tại khu vực vũng Đầm Môn; nâng cấp, mở rộng cảng Ba Ngòi; phát triển cảng, bến đỗ đường thủy nội địa; phát triển đội tàu vận tải biển và đường thủy nội địa.
+ Đường bộ: cải tạo và nâng cấp đoạn quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp I đồng bằng. Mở rộng đường từ chân đèo Cổ Mã đến Đầm Môn thành đường 4 làn xe. Chuyển đoạn quốc lộ 1A thuộc thị xã Cam Ranh ra ngoài về phía Tây thị xã. Xây dựng các tuyến đường nối thị xã Cam Ranh với bán đảo Cam Ranh và đường từ sân bay Cam Ranh nối tới thành phố Nha Trang (04 tuyến). Cải tạo và nâng cấp đoạn quốc lộ 26 đi qua địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng. Nâng cấp cải tạo các tuyến đường tỉnh lộ 1A, 1B, 2, 3, 4, 4B, 5, 6, 7, 8B, 9 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Nối một số tuyến đường huyện, đường xã thành trục đường liên huyện, liên xã. Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại đồng thời với phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Xây dựng các bến xe tại trung tâm các huyện và các điểm đô thị.
+ Đường sắt: cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất và các nhà ga trên địa bàn. Nghiên cứu theo hướng ga Nha Trang phục vụ vận tải hành khách, xây dựng nhà ga mới tại Vĩnh Lương (Nha Trang) để phục vụ vận tải hàng hóa. Xây dựng tuyến đường sắt nối cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với đường sắt Thống Nhất, xây dựng ga lập tàu tại Tu Bông và ga mới tại Vạn Giã. Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt từ Ba Ngòi đến ga Ngã Ba nối với đường sắt Thống Nhất. Nghiên cứu xây dựng 1 ga mới trên tuyến đường sắt Thống Nhất tại xã Cam Nghĩa.
+ Đường hàng không: tiếp tục xây dựng và nâng cấp cảng hàng không Cam Ranh thành cảng hàng không quốc tế.
- Cấp điện:
Tiêu chuẩn hóa mạng lưới phân phối; nâng cao chất lượng nguồn điện và phạm vi cung cấp điện. Nghiên cứu phát triển năng lượng sạch (gió, địa nhiệt, năng lượng mặt trời). Tiếp tục chương trình phủ điện nông thôn; đến năm 2010, có 100% số xã với 90 - 95% số hộ dùng điện từ lưới điện quốc gia. Đối với các xã vùng biển đảo, đầu tư phát triển thủy điện nhỏ, dùng năng lượng mặt trời, sức gió. Đầu tư phát triển nguồn cung cấp điện cho các khu kinh tế Vân Phong, Cam Ranh.
- Cấp thoát nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường:
Tập trung xây dựng dứt điểm các công trình đang thi công; tu sửa, nâng cấp, kiên cố hóa các công trình hiện có. Xây dựng thêm các công trình mới, chú ý liên kết các công trình hồ chứa, đập dâng và trạm bơm để tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Hoàn chỉnh và từng bước kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Xây dựng hệ thống tiêu nước, đê kè ngăn mặn.
Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước từ hồ Hoa Sơn ra vịnh Vân Phong, từ hồ Suối Dầu và hồ Cam Ranh cho khu vực Nha Trang và Bắc thị xã Cam Ranh; xem xét phương án hợp tác với tỉnh Phú Yên để có nguồn cấp nước quy mô lớn lấy từ lưu vực sông Ba.
Về cấp nước sinh hoạt : đến năm 2010, đạt tiêu chuẩn cấp nước sạch là: thành phố Nha Trang: 150 lít/người/ngày, đêm; thị xã Cam Ranh: 120 lít/người/ngày, đêm; các thị trấn:100 lít/người/ngày đêm; các khu dân cư nông thôn: 60 - 80 lít/người/ngày đêm. Nâng cấp nhà máy nước Võ Cạnh lên 100.000 m³/ngày đêm.
+ Đối với khu vực các huyện phía Bắc: đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi và cấp nước trọng điểm như: các hồ chứa nước Hoa Sơn, Tiên Du, Tà Rục, Sông Cạn, Đồng Điền Nam; hệ thống tưới nước sau thủy điện Ekrongru.
+ Đối với khu vực Nha Trang, Diên Khánh: hoàn thành việc xây dựng hồ Suối Dầu, tiếp tục xây dựng hồ chứa Đắc Lộc.
+ Đối với khu vực các huyện phía Nam: đầu tư nâng cấp cải tạo nhà máy nước Cam Ranh hiện có lên 6.000 m³/ngày đêm. Xây dựng hồ Cam Ranh Thượng và nhà máy nước số 2 công suất khoảng 24.000 m³/ngày đêm.
+ Phát triển cấp nước sạch nông thôn; đến năm 2010, 100% dân cư nội thị và 90% dân cư nông thôn được dùng nước sạch.
- Thoát nước và thu gom xử lý rác thải:
+ Xây dựng hệ thống cống thoát nước riêng hoàn toàn và bán riêng. Nước bẩn của thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh và các thị trấn, thị tứ được thu về trạm xử lý tập trung để xử lý làm sạch trước khi xả ra ngoài.
+ Tùy theo tính chất của từng vùng để có giải pháp xử lý rác thải riêng. Rác được xử lý tại các bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh.
- Khi quy hoạch xây dựng các đô thị, điểm dân cư, dành quỹ đất thích đáng để mở rộng và xây dựng các nghĩa trang, nghĩa địa.
- Bưu chính - viễn thông, phát thanh - truyền hình:
Hiện đại hóa mạng lưới thông tin bưu điện toàn tỉnh; hoàn thiện mạng lưới thông tin liên lạc vùng ven biển và hải đảo. Đến năm 2010, đạt bình quân từ 32 - 35 máy điện thoại/100 dân; đến năm 2020, đạt bình quân 50 máy điện thoại/100 dân. Đầu tư, nâng cấp các tổng đài điện thoại. Phát triển các loại hình dịch vụ mới. Hiện đại hóa công nghệ phát thanh - truyền hình. Đến năm 2010, 100% số xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình và 100% xã, phường có trạm truyền thanh.
6. Phát triển các ngành, lĩnh vực xã hội.
- Dân số và lao động:
+ Phát triển dân số: tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết hợp bố trí lại dân cư hợp lý; tỷ lệ dân số đô thị tăng lên 59 - 60% vào năm 2010 và 68,5 - 70% vào năm 2020.
+ Tích cực giải quyết việc làm cho người lao động cả ở thành thị và nông thôn, trong đó quan tâm lao động đã qua đào tạo.
- Giáo dục và đào tạo:
+ Đến năm 2010, cơ cấu quy mô phát triển học sinh cho từng bậc học, cấp học như sau: tiểu học 52%, trung học cơ sở 30 - 35%, trung học phổ thông 12 - 15%. 100% số xã có trường mầm non, 68% trẻ em từ 3 - 5 tuổi đến nhà trẻ, 98% số cháu 5 tuổi vào mẫu giáo; 99% trẻ em từ 6 - 11 tuổi học ở cấp tiểu học, 85% trẻ em từ 11 - 15 tuổi học ở cấp trung học cơ sở, 58% trẻ em từ 16 - 18 tuổi học ở trung học phổ thông; xóa mù chữ cho các đối tượng lớn tuổi.
Đến năm 2010, có 40% trường học phổ thông thực hiện giảng dạy tin học trong nhà trường và có kết nối Internet; đến năm 2020, các chỉ tiêu này đều là 80%.
+ Đầu tư phát triển hệ thống trường lớp ở các cấp học; xây dựng kiên cố, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư mở rộng các trung tâm kỹ thuật thực hành hướng nghiệp cấp tỉnh, huyện để giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Củng cố trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Tận dụng cơ sở vật chất các trường học để mở các lớp học, tạo điều kiện cho mọi con em người dân tộc thiểu số, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện tiếp tục học lên. Cải tạo và xây dựng mới các trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành lập các trung tâm học tập cộng đồng phường, xã; đến năm 2010, đạt 50% số phường, xã có loại hình trung tâm này.
+ Tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô đào tạo nghề. Đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%; đến năm 2020, tỷ lệ này đạt 50 - 55%. Đến năm 2010, khoảng 80% lao động sau khi đào tạo có việc làm.
+ Đến năm 2010, 80% công chức sự nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, có 20 - 30% cán bộ chính quyền cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, tin học.
+ Nâng cấp Trường Trung học kỹ thuật và nghiệp vụ thành Trường Cao đẳng công nghệ Khánh Hòa. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường trung học Y tế, Kinh tế, Văn hóa nghệ thuật. Hình thành Trường công nhân kỹ thuật ở Cam Ranh, Trường kỹ nghệ Khánh Hòa. Đầu tư nâng cấp các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị xã. Hình thành các trung tâm dịch vụ việc làm. Tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
- Y tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân:
+ Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tạo điều kiện để mọi người dân đều được tiếp cận và được cung cấp các dịch vụ y tế. Đến năm 2010, 100% thành phố, huyện, thị xã có trung tâm y tế được nâng cấp, xây dựng mới, có quy mô phù hợp; 100% số cụm xã có phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng kiên cố, có đủ trang thiết bị cần thiết để khám, chữa bệnh; 100% phường, xã có trạm y tế được xây dựng theo mô hình chuẩn quốc gia; 100% thôn, bản, khu phố có nhân viên y tế.
+ Đến năm 2010, đạt 8 bác sỹ và 1,5 dược sỹ/1vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10%; số giường bệnh đạt 24 giường bệnh/1vạn dân. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế tới mức thấp nhất các loại bệnh dịch. Phòng và quản lý có hiệu quả các bệnh xã hội, bệnh nghề nghiệp, tai nạn.
+ Đầu tư xây dựng bệnh viện tỉnh với quy mô 700 giường; nghiên cứu đầu tư xây dựng mới bệnh viện Phụ sản, bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện Mắt, bệnh viện du lịch Bãi dài; trung tâm kiểm dịch quốc tế, trung tâm sức khỏe môi trường và bệnh nghề nghiệp; đầu tư nâng cấp bệnh viện Da liễu, Lao, Tâm thần, bệnh viện Cam Ranh, bệnh viện Ninh Hòa; nâng cấp các chuyên khoa tuyến tỉnh; nghiên cứu xây dựng mới trường Y tế tỉnh, nâng cấp trường Đại học Y - Dược. Ở tuyến huyện, 100% có đội Y tế dự phòng và đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình có đủ trang thiết bị cần thiết. Tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
- Văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao:
+ Phát triển phong trào văn hóa cơ sở, thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; mở rộng các hình thức dịch vụ văn hóa. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa thông tin. Thực hiện chương trình phủ sóng truyền hình trong toàn tỉnh. Tăng thêm số giờ phát hình và chất lượng chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa.
Đến năm 2010, có 95% số cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa, 100% địa bàn dân cư được phủ sóng phát thanh - truyền hình; có 60% số làng, thôn, ấp, bản, buôn có Nhà văn hóa thông tin cơ sở đạt chuẩn quốc gia; có 80% số xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa thông tin cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, có 100% số làng, thôn, ấp, bản, buôn, xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa thông tin cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2010, xây dựng Trung tâm Văn hóa, thông tin và Hội chợ tại Nha Trang. Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa - thông tin.
+ Phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao quần chúng. Xây dựng và phát triển các môn thể thao mang tính đặc thù của tỉnh, từng bước đầu tư và đào tạo phát triển các môn thể thao thành tích cao. Quy hoạch phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho sự nghiệp thể dục - thể thao. Tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục - thể thao.
- Khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường:
+ Phát huy và ứng dụng có hiệu quả các chương trình khoa học - công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ mới. Sử dụng phổ biến các công nghệ, thiết bị, hệ thống điện tử, tin học trong công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục - đào tạo. Hình thành và phát triển ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ một số sản phẩm trong các lĩnh vực điện tử, tin học, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học.v.v…
+ Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững. Bảo vệ và làm giàu vốn rừng tự nhiên hiện có, trồng mới rừng và cây phân tán. Việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế chung của tỉnh. Kiểm soát việc sử dụng và xử lý các loại hóa chất có chứa các yếu tố gây ô nhiễm môi trường trong nông - lâm - ngư nghiệp. Có kế hoạch tổng thể, hợp lý việc sử dụng tài nguyên nước. Giám sát thường xuyên, chặt chẽ các biện pháp xử lý nước thải, chất thải, rác thải. Phát triển mô hình sản xuất khép kín VAC, RAC; chú trọng việc xử lý chất thải nông nghiệp. Tăng cường công tác quản lý về môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Kế thừa và phát huy hiệu quả dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Việt Nam - dự án Hòn Mun.
- Kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh:
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng nhân dân. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quân sự, biên phòng, công an và các sở, ban, ngành, mặt trận và toàn dân tạo thành sức mạnh tổng hợp, xây dựng tỉnh vững mạnh về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường tiềm lực kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh.
(Trích Quyết định số 251/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)
(Nguồn: chinhphu.vn)