Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Huy động cao nhất mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
2. Phát huy tối đa lợi thế so sánh của Cố đô Huế, xây dựng thành phố Huế thành trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của tỉnh, trung tâm du lịch, văn hóa, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu và trung tâm khoa học của cả nước, trung tâm thương mại và dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
3. Tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế; mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến sâu; đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ ngày càng cao.
4. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa (dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp); tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
5. Phát triển bền vững về kinh tế, gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã công bố, đồng thời lấy phát triển công nghiệp, du lịch làm hạt nhân của phát triển kinh tế và coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhanh chóng biến lợi thế thành nguồn lực bên trong vững mạnh, tăng cường liên kết với các tỉnh xung quanh để tạo thành một hệ thống hợp tác phát triển bền vững trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giữa các đô thị của Vùng, các khu kinh tế, khu công nghiệp thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây, quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc.
6. Phát huy nhân tố con người, trong đó coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng và phát triển các trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa sự nghiệp y tế, giáo dục đào tạo.
7. Coi trọng công tác cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ và sức mạnh của các thành phần kinh tế, tạo môi trường đầu tư thân thiện với các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
8. Bảo đảm phát triển bền vững về xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đối với khu vực nông thôn, miền núi.
9. Bảo đảm phát triển bền vững môi trường sinh thái, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa lịch sử của Cố đô Huế, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái, không làm tổn hại và suy thoái môi trường, cảnh quan thiên nhiên, các di tích văn hóa lịch sử.
10. Quốc phòng, an ninh luôn được củng cố vững chắc, bảo đảm tốt phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển. Duy trì hữu nghị quan hệ với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Triển khai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phù hợp với đặc điểm của một địa bàn xung yếu.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể
a) Mục tiêu kinh tế
- Phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2006 – 2010 đạt 15 – 16%; thời kỳ 2011 – 2020 đạt 12 – 13%. Nhanh chóng đưa mức GDP/người tăng kịp và vượt so với mức bình quân chung của cả nước ngay trong thời kỳ 2006 – 2010 và đạt trên 1.000 USD (giá năm 2005) vào năm 2010, đến năm 2020 đạt trên 4.000 USD/người (giá thực tế);
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2010, cơ cấu kinh tế sẽ là: dịch vụ 45,9%, công nghiệp – xây dựng 42,0%, nông – lâm – ngư nghiệp 12,0%; đến năm 2015 tỷ trọng này tương ứng là 45,4% - 46,6% - 8,0% và đến năm 2020 là 47,4% - 47,3% - 5,3%;
- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất 300 triệu USD vào năm 2010 và khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020;
- Phấn đấu đạt tỷ lệ thu ngân sách chiếm khoảng 13 – 14% từ GDP vào năm 2010 và trên 14% vào năm 2020.
b) Mục tiêu xã hội
- Tạo chuyển biến cơ bản về văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân;
- Giảm dần tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2006 – 2010 dưới 1,2%, giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,3 – 0,4‰; sau năm 2010, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống khoảng 1,1 – 1,2%.
- Phấn đấu ổn định và từng bước giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn khoảng 5%; nâng thời gian sử dụng lao động khu vực nông thôn lên trên 80% vào năm 2010 và khoảng 90% vào năm 2020. Nâng số lượng lao động được giải quyết việc làm lên trên 14 nghìn lao động/năm giai đoạn 2006 – 2010 và 16 – 17 nghìn lao động/năm giai đoạn 2011 – 2020. Phấn đấu đến năm 2010, lao động xuất khẩu đạt 2.000 – 2.500 lao động/năm; đến năm 2020 đạt 5.000 – 6.000 lao động/năm. Tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% vào năm 2010 và trên 50% vào năm 2020.
- Đến năm 2010, tỷ lệ học sinh huy động so với dân số trong độ tuổi ở các bậc học như sau: mẫu giáo trên 70%; tiểu học trên 99,5%; trung học cơ sở trên 99% và phổ thông trung học là 62%. Đến năm 2020, tỷ lệ như sau: nhà trẻ là 50%, mẫu giáo trên 90%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 99,9%, trung học phổ thông 75%. Đến năm 2010, hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục trung học ở thành phố Huế và các huyện đồng bằng;
- Đến năm 2010, có 98% số hộ có điện sử dụng; 95% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh;
- Hạn chế và giảm đáng kể, tiến tới loại trừ các bệnh nhiễm vi rút HIV/AIDS và các bệnh dịch khác. Duy trì kết quả 100% trạm y tế xã có bác sỹ; đến năm 2010, đạt 12 bác sỹ/vạn dân và khoảng 15 bác sỹ/vạn dân vào năm 2020; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 37 giường vào năm 2010, trên 40 giường vào năm 2020; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn dưới 5% vào năm 2020.
- Tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% vào năm 2010 và dưới 3% vào năm 2020;
- Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, phát thanh và truyền hình trên toàn Tỉnh. Nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đưa các môn thể thao mũi nhọn và truyền thống của địa phương tiến kịp trình độ khu vực và cả nước.
c) Mục tiêu về môi trường
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% vào năm 2010 và trên 60% vào năm 2020;
- Bảo vệ môi trường các vùng sinh thái, tránh ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, bảo vệ rừng nhập nước ven biển, bảo vệ sinh thái đầm phá;
- Các khu đô thị, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề phải xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường;
- Phòng chống, hạn chế đến mức tối đa sự suy kiệt và ô nhiễm các nguồn tài nguyên và các tác hại do thiên tai bão lụt .v.v…
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ HƯỚNG ĐỘT PHÁ
1. Lựa chọn hướng phát triển đột phá
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát huy tiềm lực khoa học công nghệ của Tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
- Xây dựng thành phố Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, trung tâm đào tạo đại học và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao của cả nước, trung tâm dịch vụ của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
- Tập trung phát triển mạnh Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trên nhiều lĩnh vực như cảng, dịch vụ cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí, sân golf.v.v...;
- Chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả trong công nghiệp bằng cách phát triển các ngành sản xuất chủ lực: công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp công nghệ cao. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với các khu, cụm công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về tài nguyên, có quy mô và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến đồ uống và công nghiệp thực phẩm.v.v… Xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhỏ và vừa gắn với quá trình đô thị hóa, tạo việc làm phi nông nghiệp. Tập trung lấp đầy các khu công nghiệp; xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp nhỏ, vừa, các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái. Quan tâm đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là làng nghề truyền thống và làng có nghề phục vụ xuất khẩu;
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.
2. Định hướng ưu tiên phát triển đến năm 2020.
- Tập trung đầu tư, sớm hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành xây dựng các công trình lớn;
- Chú trọng phát triển bền vững, giải quyết tốt các vấn đề về an toàn môi trường ngay trong công tác quy hoạch và điều hành;
- Đầu tư phát triển thành phố Huế thành hạt nhân tăng trưởng, làm nòng cốt thúc đẩy để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đầu tư phát triển mạnh Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành trung tâm kinh tế và đô thị quan trọng phía Nam của Tỉnh, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miển Trung và cả nước;
- Phát triển khu kinh tế cửa khẩu A Đớt thành một trong những trung tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đường biên giữa Việt Nam với các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây;
- Cơ cấu lại kinh tế nông thôn, gắn kinh tế nông thôn như một vành đai, vệ tinh phát triển của Khu kinh tế và các đô thị trong Tỉnh; phát triển vùng kinh tế Tam Giang – Cầu Hai;
- Hoàn thiện quy hoạch không gian lãnh thổ theo hướng tạo các đô thị gắn kết với nhau và với các khu vực nông thôn trên hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ;
- Gắn xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
- Gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm an ninh – quốc phòng tạo thế ổn định vững chắc về chính trị để phát triển kinh tế và xã hội.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Dịch vụ
- Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của Vùng trên cơ sở nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục .v.v… Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ để trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với các trung tâm dịch vụ lớn là đô thị Huế, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt.
- Phát triển bền vững ngành du lịch nhằm đạt được các mục tiêu cả về kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010, thu hút từ 2 – 2,5 triệu lượt khách du lịch/năm, trong đó đạt 1 triệu lượt khách quốc tế/năm; tăng doanh thu di lịch 30%/năm trong giai đoạn 2006 – 2010; tốc độ tăng trưởng về số lượng khách du lịch từ 15 – 20%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020.
- Khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, quảng bá mạnh thương hiệu Huế trên các thị trường tiềm năng; đa dạng hóa và nâng cao các sản phẩm du lịch; xây dựng chiến lược phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển ngành du lịch.
- Xây dựng chiến lược chung về hội nhập quốc tế các lĩnh vực dịch vụ và chiến lược cạnh tranh cho các hàng hóa dịch vụ của Tỉnh phù hợp với lộ trình các cam kết hội nhập.
- Đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu và dịch vụ, tăng khả năng xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến sâu, hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Chủ động tìm kiếm thị trường quốc tế, duy trì và phát triển các thị trường truyền thống EU, Nhật Bản, ASEAN, quan tâm đúng mức ngoại thương với cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
2. Công nghiệp
- Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 21% giai đoạn 2006 – 2010, 15% giai đoạn 2011 – 2015 và 14% giai đoạn 2016 – 2020.
- Khai thác tốt những nguồn lực có lợi thế của địa phương. Ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có hiệu quả cao, chú trọng các ngành có thị trường, công nghệ cao, thu hút nhiều lao động.
- Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hình thành những sản phẩm công nghiệp chủ lực có trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực cạnh tranh. Tập trung xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp tin học phần mềm, công nghiệp chế biến sâu về nông sản, thực phẩm; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.v.v…
- Phát triển nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu, tận dụng nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ, tạo cơ hội công ăn việc làm và tăng thu nhập của người lao động.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, hạ tầng các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Điền, Phú Đa, La Sơn, Quảng Vinh; các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở các huyện và thành phố Huế trở thành các trung tâm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học.
3. Nông, lâm nghiệp, thủy sản.
- Nâng giá trị bình quân 1 ha canh tác đất nông nghiệp lên trên 50 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp; ổn định tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp với nhịp độ 4 – 5% giai đoạn 2006 – 2010 và khoảng 3% giai đoạn 2011 – 2020.
- Về nông nghiệp: phát triển toàn diện, bền vững theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Gắn phát triển nông – lâm – ngư nghiệp với bảo vệ tài nguyên đất, rừng và biển, giữ vững môi trường và cân bằng sinh thái.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái sạch với công nghệ cao và công nghệ sinh học. Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, đảm bảo an ninh lương thực; phát triển ngành nghề nông thôn.
- Về lâm nghiệp: phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường. Bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên. Trong 10 năm tới trồng mới khoảng 40 – 45 nghìn ha rừng; khoanh nuôi tái sinh; chăm sóc bảo vệ rừng nhằm phục hồi, làm giàu khoảng 100 nghìn ha rừng; nâng độ che phủ rừng lên 55% vào năm 2010 và trên 60% vào năm 2020.
- Về thủy sản: khai thác tổng hợp vùng ven biển, đầm phá nước lợ và sông đầm nước ngọt; kết hợp đảm bảo tính đa dạng, khả năng duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy hải sản và môi trường sống van biển, đầm phá. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt nhịp độ tăng trưởng là 7 – 8% thời kỳ 2006 – 2010 và 8 – 9% thời kỳ 2011 – 2020.
- Chuyển đổi cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, đến năm 2010 còn khoảng 50% lao động làm nông nghiệp và đến năm 2020 còn khoảng 13 – 15%.
4. Phương hướng phát triển văn hóa – xã hội.
a) Dân số, lao động và xóa đói giảm nghèo.
- Quy mô, cơ cấu dân số: dự báo quy mô dân số tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 2020 là 1.356,6 nghìn người, dân số thành thị khoảng 949,6 nghìn người, chiếm 70% dân số. Dân số lao động (15 – 59 tuổi) là 773,3 nghìn người, chiếm 57% dân số.
- Công tác dân số, gia đình và trẻ em: đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, tăng cường hoạt động giáo dục truyền thông hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, quan tâm nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số, gia đình và trẻ em.
- Lao động và việc làm: phân bố lại lao động, dân cư phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cơ hội việc làm cho người lao động. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
- Giảm nghèo và thực hiện chính sách xã hội: tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo. Cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn, nhất là ở vùng miền núi, vùng đầm phá, ven biển. Tổ chức tốt chính sách định canh, định cư, ổn định đời sống dân cư theo quy hoạch; lập quỹ nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp và hộ nghèo vùng đô thị.
- Thực hiện tốt các chính sách xã hội cho các đối tượng thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Quan tâm tới những người già neo đơn, người tàn tật, những người bị nhiễm chất độc màu da cam, làm tốt chính sách an sinh xã hội.
b) Y tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Nâng cao chất lượng sức khỏe toàn dân. Phấn đấu đến năm 2010, đạt 100% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 10 loại vắc xin; giảm tỷ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi còn 7‰, tỷ lệ chết của trẻ dưới 5 tuổi còn 2,5‰; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn dưới 20% vào năm 2010 và dưới 5% vào năm 2020.
- Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa những bệnh xã hội và bệnh mới xuất hiện. Kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Chủ động ngăn chặn và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Đầu tư khai thác vốn quý về y học cổ truyền và sản xuất dược liệu của Tỉnh. Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất mạng lưới y tế cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chú trọng phát triển nguồn nhân lực; phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Tiếp tục củng cố và phát triển các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện, các phòng khám đa khoa khu vực; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên. Kêu gọi đầu tư bệnh viện quốc tế, các bệnh viện chuyên khoa… Khuyến khích xã hội hóa y tế, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
- Hoàn thành nâng cấp Bệnh viện Trung ương Huế - Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao cho cả vùng; ổn định hoạt động của Trung tâm y tế chuyên sâu. Nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thành Trung tâm y tế dự phòng khu vực Bắc miền Trung; thành lập Trung tâm kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm và bệnh phẩm cấp vùng trên cơ sở tăng cường năng lực của Trung tâm Dược phẩm, hóa mỹ phẩm.
c) Giáo dục – đào tạo.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở từng cấp học, bậc học; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, giải quyết mối quan hệ giữa phổ cập và nâng cao. Xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng về chuyên môn, có đạo đức sư phạm. Có chính sách thu hút, bảo đảm đủ giáo viên cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
- Quan tâm phát triển giáo dục mầm non, nhất là ở các xã vùng gò đồi miền núi, vùng đầm phá ven biển; củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Đến năm 2010, hoàn thành mục tiêu phổ cập bậc trung học ở thành phố Huế và 6 huyện đồng bằng. Nâng cao tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở các cấp học, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được học tin học và từng bước kết nối mạng Internet trong trường học. Xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó, tất cả các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010. Phát triển hệ thống trường chất lượng cao trong các cấp học. Hoàn thành kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho giáo viên.
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, đa dạng hóa hệ thống trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong Tỉnh và vùng phụ cận. Khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các loại hình trường ngoài công lập.
- Mở rộng nâng cấp hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, trung học theo hướng đa ngành hóa, công nghệ hóa; phát huy vai trò một trung tâm quan trọng về đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề kho khu vực miền Trung và cả nước. Phấn đấu đầu tư xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia trước năm 2015 với các thiết chế của trung tâm đào tạo đa ngành, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và cả nước. Tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu xây dựng trường Đại học quốc tế tại Huế. Phát triển trường Đại học Mỹ thuật và Học viện Âm nhạc Huế. Hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của các trường Đại học.
- Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Coi trọng cả đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đầu đàn, cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà doanh nghiệp và nghệ nhân lành nghề. Gắn giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với việc mở rộng thị trường sức lao động.
- Thực hiện xã hội hóa sự nghiệp giáo dục – đào tạo, coi trọng giáo dục phổ cập, nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, đặc biệt là dân cư nông thôn và miền núi. Xây dựng một xã hội hướng tới học tập thường xuyên, với các hình thức giáo dục đa dạng, hiện đại. Khuyến khích phát triển hệ ngoài công lập ở tất cả các cấp, bậc học phổ thông; 100% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng.
d) Văn hóa, thông tin, thể dục – thể thao.
- Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa – du lịch đậm đà bản sắc dân tộc và văn hóa Huế. Hoàn thành cơ bản công tác trùng tu, bảo tồn và tôn tạo di tích Cố đô Huế.
- Xây dựng và từng bước hiện đại hóa hệ thống thiết chế văn hóa các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có. Kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm văn hóa. Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa.
- Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn học nghệ thuật, động viên năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ. Từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin đại chúng, chuẩn bị các điều kiện để quản lý và sử dụng tốt mạng Internet.
- Chuyển đổi mạnh thể thao theo hướng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa. Phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao quần chúng. Xây dựng các trung tâm văn hóa – thể thao cấp huyện có thiết chế đủ để chỉ đạo quản lý, phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở. Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm thể thao mạnh của miền Trung.
đ) Khoa học – công nghệ và môi trường
Khoa học – công nghệ:
- Nâng cao trình độ và năng lực ứng dụng khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực. Áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học – công nghệ quốc gia và quốc tế vào sản xuất và quản lý. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, chú trọng công tác điều tra cơ bản.
- Xây dựng và phát triển công nghệ thông tin thành một hoạt động phổ cập trong toàn xã hội. Thực hiện thành công chương trình Chính phủ điện tử, xây dựng được môi trường thông tin điện tử cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, trường học và toàn xã hội. Phát triển công nghệ thông tin thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Tăng cường hợp tác, liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Khuyến khích các hoạt động môi giới, chuyển giao công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn cho khoa học – công nghệ, hình thành thị trường khoa học – công nghệ.
- Phối hợp với đại học Huế xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xây dựng các trung tâm chuyên ngành quốc gia tại Huế. Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm mạnh của cả nước về nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin, bảo tồn di tích, khoa học xã hội và nhân văn.
Bảo vệ môi trường:
- Tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Coi trọng công tác truyền thông giáo dục và xã hội hóa việc bảo vệ môi trường. Áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Tăng cường công tác quản lý và xử lý chất thải rắn tại các đô thị, khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp tập trung và khu du lịch.
- Nghiên cứu việc chống xói lở biển Thuận An, Tư Hiền, các bờ sông; xử lý các vấn đề môi trường phát sinh do biển động của các cửa biển, chống xâm thực sông biển. Nghiên cứu bảo vệ nguồn gen động, thực vật ở Vườn quốc gia Bạch Mã, giống thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Xây dựng Bảo tàng thiên nhiên vùng Duyên hải miền Trung.
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, không thoái hóa, không làm tổn hại đến đa dạng sinh học.
- Thực hiện quá trình “công nghiệp hóa sạch”. Thể chế hóa việc đưa yếu tố môi trường vào quy trình quy hoạch, kế hoạch hóa sự phát triển ở mọi cấp, Ban hành quy định yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thiết lập các hệ thống tự giám sát về môi trường.
e) Phát triển kinh tế gắn an ninh, quốc phòng và công tác nội chính
- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh và đối ngoại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng một số công trình phòng thủ ở một số điểm trọng yếu trên địa bàn Tỉnh.
- Xây dựng phương án chủ động, kịp thời phòng chống, cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân trong trường hợp xảy ra thiên tai. Củng cố tổ chức cán bộ cho các ngành nội chính.
- Tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ việc tiêu cực. Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ ở cơ sở, chế độ tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
- Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chỉ đạo thực hiện có nề nếp các chế độ, sinh hoạt, công tác.
V. PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ - XÃ HỘI
- Phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hạt nhân, đô thị trung tâm là thành phố Huế, đô thị vệ tinh là thành phố mới Chân Mây – Lăng Cô, các thị xã Hương Thùy, Hương Trà, Thuận An, Phong Điền, và các thị trấn gắn với các điểm dân cư tập trung của các huyện, các khu công nghiệp, khu du lịch. Đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm đô thị động lực Huế - Tứ Hạ - Phú Bài – Thuận An – Bình Điền trở thành khu vực nội thị thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai; xây dựng mới thành phố Chân Mây – Lăng Cô và các đô thị Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thanh Hà, Vinh Thanh, Vinh Hưng, A Đớt, Hồng Vân…
- Thành phố Huế là đô thị trung tâm, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam được tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại phù hợp với thành phố Di sản, thành phố Festival, một trung tâm đầu mối giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây và được phát triển tương xứng với vị trí một trung tâm văn hóa du lịch và giao dịch quốc tế, trung tâm đào tạo đại học, y tế chuyên sâu và y tế chất lượng cao của cả nước, trong một trung tâm thương mại, dịch vụ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Tập trung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn, một đô thị hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực, quốc tế, trung tâm vận tải biển. Phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong mối quan hệ, phối hợp với thành phố Huế, Đà Nẵng, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, hành lang kinh tế Đông Tây; đảm bảo hiệu quả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
- Đối với vùng đồng bằng: đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để bảo đảm an ninh lương thực, tạo điều kiện vững chắc cho các ngành khác phát triển, tập trung xây dựng tốt hệ thống thủy lợi, tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng nhanh giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác. Khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ; từng bước phân bổ lại lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động thuần nông, tăng tỷ lệ lao động ngành nghề, dịch vụ trong nông thôn. Phát triển kinh tế gắn với việc xây dựng và phát triển nông thôn mới.
- Đối với vùng biển – đầm phá: phát huy mọi tiềm lực và lợi thế, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng phát triển năng động toàn diện bao gồm du lịch, thủy sản, nông, lâm, công nghiệp chế biến. Mở rộng các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn, vườn rừng, phát triển mô hình kinh tế trang trại trên vùng cát nội đồng; giải quyết cơ bản khâu thủy lợi và nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cát.
- Đối với vùng gò đồi, miền núi; xây dựng và phát triển theo hướng bền vững, hình thành một vùng kinh tế nông – lâm – công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng vùng căn cứ hậu cần, kỹ thuật vững chắc. Thực hiện quy hoạch phát triển dân cư, di dân vào các vùng đệm gần biên giới, vừa khai thác tốt đất trống vừa hình thành các làng bản bảo vệ biên giới tạo thành hành lang kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.
VI. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
1. Mạng lưới giao thông:
- Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các vùng trong Tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gắn với việc khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
- Đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt cao tốc, đường Hồ Chí Minh phía Đông, hầm đường bộ đèo Phú Gia, Phước Tượng; nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 49A, mở rộng đường La Sơn – Nam Đông, đầu tư mới đường 71 và 74 nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1A và các cảng biển; đường tới các cửa khẩu S3 và S10 nối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 49B; các cầu vượt đầm phá Ca Cút, Vĩnh Tu, Hà Trung, cầu và đập Cửa Lác; các cầu qua sông Hương, sông An Cựu; hệ thống đường ven biển, đầm phá; hoàn thành hệ thống đường tuần tra biên giới.
- Đầu tư mới gia đường sắt Lăng Cô gắn với nhu cầu phát triển khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và đô thị Chân Mây; di chuyển ga Huế ra khỏi nội đô và nâng cấp thành ga trung tâm của Thành phố; các ga hàng hóa sẽ được đầu tư xây dựng tại ga Hương Thủy, Văn Xá và Thừa Lưu. Nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài đáp ứng nhu cầu vận chuyển 2 triệu hành khách/năm và 100 nghìn tấn hàng hóa/năm.
- Khai thác có hiệu quả cảng Chân Mây, từng bước đầu tư mở rộng thành cảng trung tâm phân phối quốc tế nối Đông và Tây, cảng hành khách của tuyến cao tốc trên biển; nâng công suất cảng Chân Mây đạt 2,2 đến 2,3 triệu tấn/năm vào năm 2010, đạt 6 triệu tấn/năm vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 50.000 DWT. Mở rộng cảng Thuận An đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm, vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 5.000 DWT. Xây dựng cáp quang vào cảng Chân Mây, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ống vận tải xăng dầu, khí hóa lỏng từ cảng Chân Mây đến các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
- Tập trung mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đường nội thị thành phố Huế và các thị trấn huyện lỵ; phát triển mạng lưới giao thông tiểu vùng, giao thông nông thôn. Hoàn thành nhựa hóa các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ; bê tông hóa giao thông nông thôn;
- Đầu tư nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy, đặc biệt là các tuyến trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Đại Giang, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Trước mắt tiến hành nạo vét, hoàn thiện mạng lưới báo hiệu và xây dựng các trạm quản lý đường sông và đầm phá. Đầu tư xây dựng các bến tàu, thuyền trên sông, đầm phá, khu neo đậu tránh trú bão.
2. Thủy lợi:
- Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, vừa đảm bảo điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, ngăn mặn và cung cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cho công nghiệp, sinh hoạt, kết hợp phòng chống cháy rừng ở những nơi có điều kiện.
- Hoàn thành công trình hồ Tả Trạch vào năm 2010; xây dựng mới hệ thống hồ đập và thủy lợi vùng cao, hồ Thủy Yên - Thủy Cam, nâng cấp hồ Phú Bài; hoàn thành hệ thống thủy lợi Tây Nam Hương Trà, hệ thống hồ đập thủy điện gắn với thủy lợi; hệ thống tưới tiêu vùng hạ du sông Ô Lâu; nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, đê Đông – Tây Ô Lâu; nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống đê bao vùng, đê nội đồng; nạo vét các sông, hói tiêu úng và thoát lũ; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm bơm, các công trình thủy lợi vùng gò đồi, vùng cát; hoàn thành kiên cố hóa hệ thống kênh mương.
- Xây dựng các công trình chống xâm thực bờ biển Thuận An – Tư Hiền, các dự án chống xói lở bờ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Hoàn chỉnh cơ bản hệ thống đê đập ngăn mặn, ngăn lũ ở vùng ven biển đầm phá, vùng cửa sông. Xây mới các công trình cảnh báo bão, lụt.
3.Mạng lưới cấp điện:
- Phát triển hệ thống truyền tải cao áp. Xây dựng mới kết hợp với cải tạo hệ thống lưới điện trung, hạ thế. Nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới cấp điện đáp ứng nhu cầu phụ tải, đảm bảo an toàn, ổn định chất lượng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng các đô thị nhằm đảm bảo thẩm mỹ cảnh quan trong các đô thị.
- Xây dựng các nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điều, A Lưới, A Lin và các nhà máy thủy điện nhỏ; xây dựng các trạm phát điện bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời nhằm đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
4. Cấp, thoát nước:
- Đầu tư mở rộng và nâng cấp hệ thống cấp nước các đô thị và vùng phụ cận. Nâng cấp hệ thống cấp nước thành phố Huế giai đoạn II. Xây dựng hệ thống cấp nước hồ Truồi hồ, Thủy Yên – Thủy Cam, nâng cấp và cải tạo các nhà máy nước ở các huyện; nâng công suất cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt lên trên 200.000m3/ngày đêm vào năm 2010, phát triển đồng bộ mạng lưới đường ống cấp nước; đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% người dân thành phố Huế, 90% dân các thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp, khu du lịch và vùng phụ cận. Đến năm 2010, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 95%; giải quyết cơ bản vấn đề cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cát, ven biển.
- Hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị Huế, Chân Mây – Lăng Cô … Đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý chất thải rắn ở các khu đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; đảm bảo nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung.
5. Bưu chính – viễn thông
- Phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính – viễn thông theo hướng đa dạng, hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực. Thực hiện chiến lược cáp quang hóa truyền dẫn nội Tỉnh đến các huyện, các khu công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch.
(Trích Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/6/2009)