Ủy ban Chứng khoán đang tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến 30/9, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Con số này ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu thị trường chứng khoán ra đời.
Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký lên tới gần 4 triệu tài khoản. Trong đó, tài khoản nhà đầu tư mở mới trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 70% so với cả năm 2020.
Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy sự phát triển vượt bậc. Thị trường chứng khoán đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán năm 2020 đã đạt trên 30% điểm phần trăm GDP.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, phát biểu tại một cuộc tọa đàm về phát triển thị trường chứng khoán được tổ chức trong tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Bộ Tài chính đang cùng các Bộ ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Quan điểm chung về phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới là phát triển đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo liên kết giữa thị trường tài chính với thị trường tiền tệ. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về chuyển đổi số nền kinh tế. Quản lý, giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững. Chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và có mục tiêu trở thành mục trong 4 thị trường chứng khoán lớn của khu vực ASEAN…
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.
Mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Quy mô thị trường trái phiếu phấn đấu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phát sinh đạt khoảng 20 đến 30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030 với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư ngoài nước hợp lý…
Để thực hiện các mục tiêu trên, cơ quan quản lý cũng đã đưa ra hệ thống các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán một cách đồng bộ.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay, trong các nhóm giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, bền vững thì việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là rất quan trọng, là điểm tựa quan trọng cho sự đi lên của thị trường.
Quốc hội đã ban hành Luật Chứng khoán năm 2019, giai đoạn 2020-2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, tập trung vào công tác tuyên truyền; xem xét hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý phù hợp thị trường.
Bên cạnh đó, sẽ xem xét, nghiên cứu cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ sở nhà đầu tư, thị trường chứng khoán; các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát và tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp…
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, sẽ thực thi tốt chính sách pháp luật, đảm bảo thị trường vận hành an toàn lành mạnh. Ủy ban chứng khoán đang tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên tham gia thị trường chứng khoán; tiếp tục xây dựng các tiêu chí giám sát phù hợp hơn nhằm tăng cường giám sát.