Luỹ kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt 107,25 triệu USD, tăng 3,47% so với cùng kỳ 2020.
Riêng tháng 8, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 11,1 triệu USD, tăng 13,66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung tâm phát triển Thương mại điện tử dẫn số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, có 6 loại trái cây tươi của Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính thức vào thị trường Hàn Quốc gồm: dừa, dứa, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài, chuối.
Tuy nhiên, lượng trái cây này sang Hàn Quốc còn thấp. Trong đó, sản lượng chuối Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 2% thị phần của Hàn Quốc và đang cạnh tranh mạnh với chuối Philippines (chiếm 75,8% sản lượng nhập khẩu loại quả này của Hàn Quốc).
Chị Thuỷ ở Hàm Thuận Nam thu hoạch thanh long trong vườn. Ảnh: Việt Quốc
Dừa của Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 2,6%, dứa chiếm 0,62%, trong khi dứa Philippines chiếm 93% tổng lượng nhập khẩu loại quả này của Hàn Quốc...
Theo Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, dù thị trường rau quả của Hàn Quốc còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng là thị trường khó tính, mức độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cao và rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt.
Đối với các sản phẩm trái cây, hoa quả nhập khẩu vào Hàn Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ quy định hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật của nước này áp dụng từ năm 2019. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tự thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như quy định nhập khẩu từ thị trường này.
Ngoài ra, Việt Nam cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản, như New Zealand có thương hiệu kiwi, Hà Lan có thương hiệu cam, Philippines có thương hiệu chuối, ...
Việt Nam đang thúc đẩy các cơ quan Hàn Quốc mở cửa thị trường thêm cho nhiều loại trái cây khác như bưởi, chanh leo, vải, chôm chôm, nhãn, ...
Hiện các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc chiếm 60%, chợ truyền thống 20%, còn lại qua bán lẻ trực tuyến. Vì thế, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu bền vững, cần tìm cách đưa hàng qua các hệ thống phân phối, siêu thị bán lẻ, cửa hàng tiện ích.