Renault đã ngừng bán xe mới từ quý II với sự đồng thuận của hãng mẹ lẫn nhà phân phối tại Việt Nam.
Nhà phân phối ôtô thương hiệu Pháp không có thông cáo rộng rãi khi ngừng bán xe, chỉ xác nhận khi được hỏi. Hiện website của hãng không còn truy cập được.
"Xe Renault không còn bán ở Việt Nam. Nhà phân phối hỗ trợ mua lại xe Renault cho khách không còn nhu cầu sử dụng hoặc tặng một khoản tiền nếu họ muốn tiếp tục sử dụng xe. Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa chính hãng không còn được duy trì", quản lý cấp cao CT Wearnes Việt Nam, nhà phân phối xe Renault nói với VnExpress.
Theo vị này, nguyên nhân thương hiệu Pháp một lần nữa rút lui khỏi thị trường Việt Nam do hãng mẹ muốn cơ cấu lại hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. CT Wearnes cũng đồng thuận với quyết định này của Renault Group. Ông cũng đánh giá việc xây dựng thương hiệu và phát triển doanh số xe Renault tại Việt Nam có nhiều khó khăn.
Khoản tiền tặng khách không được tiết lộ là bao nhiêu hay bằng bao nhiêu % giá xe, mà như một lời cảm ơn, xin lỗi vì không duy trì xưởng dịch vụ. Với khách hàng vẫn tiếp tục dùng xe, khó khăn lớn nhất là tìm nguồn linh kiện, phụ tùng thay thế.
Mẫu Arkana trưng bày tại showroom Renault ở quận 7, TP HCM. Ảnh: Phạm Trung
Hãng xe Pháp xuất hiện lần đầu tại Việt Nam hồi 2010 thông qua nhà phân phối Auto Motors. Cách định giá sản phẩm khá cao so với mặt bằng chung của thị trường đối với một thương hiệu phổ thông, thiết kế ít điểm nhấn dù mang mác xe châu Âu, doanh số Renault mờ nhạt trên thị trường. Đến 2017, hãng rút khỏi Việt Nam.
Nửa cuối 2020, hãng một lần nữa quay lại, bán hai dòng xe Kaptur và Arkana nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga với giá 799 triệu và 919 triệu đồng. Đến quý II năm nay thì ngừng bán. Chưa có số liệu về lượng Renault bán ra từ 2020.
Renault thành lập 1899, hiện nằm trong liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi. Sau vụ cựu chủ tịch Carlos Ghosn bị cảnh sát bắt giữ hồi 2019 và sau đó đào thoát khỏi Nhật Bản, thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, liên minh Pháp-Nhật bắt đầu tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trên quy mô toàn cầu từ 2020.
Nissan sẽ tập trung nguồn lực cạnh tranh mạnh tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi Renault đảm trách khu vực châu Âu. ASEAN và châu Đại Dương là mục tiêu chiến lược của Mitsubishi.