Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 được chuyển vào bệnh viện dã chiến số 7, giảm tải công việc cho các nhân viên y tế.
Vibot là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng, giao Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện từ tháng 4/2020. Đến nay, Vibot đã có 2 phiên bản hoàn thiện, với chức năng vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly điều trị bệnh Covid-19 và ngược lại.
Ở phiên bản 2, Vibot có khả năng tự xây dựng bản đồ, tự định vị và thiết lập lộ trình hoạt động, di chuyển an toàn trong khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.
Hiện hệ thống Vibot-2 đang vận hành tại Bệnh viện dã chiến số 7 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP HCM). Hệ thống robot Vibot-2 làm nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly và các đồ dùng của bệnh nhân ra bên ngoài.
Vibot-2 phục vụ đơn cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 7. Ảnh: CESTC
BS Trần Minh Tuấn, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, trước đây khi chưa có robot hỗ trợ, hàng ngày, một nhóm dân quân tự vệ khoảng 6-7 người sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ để phát cơm cho khoảng 10 tầng của bệnh viện. Hiện giờ, mỗi robot sẽ phụ trách 4-5 tầng, hoạt động liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ có thể phát hết cơm cho các phòng bệnh.
Chị Hoàng Ái My, bệnh nhân F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 7 chia sẻ, chị đã vào đây được 12 ngày. Trước đó, việc phát cơm hàng ngày do đội ngũ dân quân đảm nhiệm. 5 ngày trở lại đây, robot đảm nhiệm việc này, rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức, hạn chế tiếp xúc gần F0, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Trao đổi với VnExpress, Đại tá, PGS.TS Tăng Quốc Nam, Chủ nhiệm Khoa Hàng không Vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong thời gian tới, Vibot-2 sẽ được trang bị thêm tính năng đo thân nhiệt, đo chỉ số oxy trong máu (SpO2)...
Để thực hiện tính năng này, nhóm đang thử nghiệm tích hợp lên robot các thiết bị đo chỉ số oxy trong máu (SpO2), thiết bị đo thân nhiệt tự động do cơ quan y tế cấp phép sử dụng. Các dữ liệu đo sẽ được truyền trực tiếp cho nhân viên y tế tại trung tâm giám sát điều khiển để thực hiện thăm khám bệnh từ xa. Ngoài ra, một số chức năng khác như phun dung dịch khử khuẩn rửa tay cho bệnh nhân, phát hiện, nhắc nhở bệnh nhân không đeo khẩu trang... cũng sẽ được nhóm nghiên cứu phát triển và bổ sung cho Vibot-2 trong thời gian tới.
"Hiện nhóm đang gấp rút nghiên cứu thử nghiệm các tính năng mới này. Phiên bản robot Vibot-2 mới nhất chuẩn bị sản xuất phục vụ phòng chống dịch Covid-19 sẽ có đầy đủ các tính năng đó", ông Nam nói.
Người vận hành lập chương trình làm việc, gửi cho robot qua mạng wifi và theo dõi hoạt động của robot từ Trung tâm giám sát điều khiển ở ngoài khu vực cách ly. Ảnh: CESTC
Hồi tháng 4, hệ thống Vibot-2 gồm 1 Trung tâm giám sát, điều khiển và 3 robot đã được triển khai tại khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai - Cơ sở 2 (Phủ Lý - Hà Nam). Tại đây, hệ thống được triển khai trên 3 tầng nhà của khu Zone-6 để phục vụ hơn 150 (có thời điểm gần 200) bệnh nhân Covid-19 thuộc diện F0 âm tính.
Tháng 6, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chuyển 2 robot về khu vực điều trị bệnh nhân F0, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Tại đây, trong hơn 1 tháng cao điểm của dịch bệnh Covid-19 (từ 01/6/2021 đến đầu tháng 7/2021), hệ thống robot Vibot-2 đã hỗ trợ điều trị hàng trăm bệnh nhân F0.
Ngày 23/7, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ cấp Quốc gia đã họp, đánh giá kết quả đạt mức xuất sắc và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất thêm các hệ thống robot Vibot để phục vụ phòng chống dịch.