Cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên học sinh, sinh viên và người dùng bình dân trong nước có thể sở hữu cả điện thoại di động và sim có sẵn tiền trong tài khoản với mức giá chưa đến 400.000 đồng.
Một trong những điểm dịch vụ của S-fone khi còn hoạt động
Cách đây vài ngày, mạng di động sử dụng công nghệ CDMA cuối cùng của Việt Nam là S-Fone đã chính thức hết giấy phép. Mặc dù không rõ còn ai sử dụng số điện thoại có đầu 095 nữa không nhưng với công ty nắm giữ nhà mạng này là SPT, chấm dứt một dịch vụ “sống dở chết dở” sẽ giúp họ trút bỏ một phần gánh nặng của mình.
Đi trước nhờ “có điều kiện”
Những năm 2002, thị trường di động tại Việt Nam lúc đó chỉ có 2 lựa chọn cho khách hàng là Vinaphone và Mobifone. Viettel khi đó chưa cung cấp dịch vụ di động. Một nhà mạng hoàn toàn mới được cấp phép thu hút rất nhiều sự chú ý của khách hàng.
S-Fone khi đó là một cái tên thật sự nổi bật. Mặc dù ban đầu chỉ phủ sóng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng điều đó không quan trọng, khách hàng di động lúc này cũng chỉ phổ biến ở 2 thành phố lớn. S-Fone sử dụng công nghệ CDMA lúc đó được coi là tốt hơn GSM như 2 nhà mạng trước. Khách hàng có thể hát karaoke ngay trên điện thoại và đặc biệt nhất là tính tiền cước theo block 6 giây+1 thay vì block 1 phút là hàng loạt những ưu điểm của mạng di động mới.
Đây là sản phẩm của liên minh giữa SPT với SK Telecom, LG và DongA Elecom từ Hàn Quốc. Số tiền mà S-Fone có khi đó là 230 triệu USD và sau đó tăng lên 540 triệu USD.
Trên thực tế thì ở thành phố lớn lúc đó còn một mạng di động khác là CityPhone tuy nhiên mạng di động này định vị rõ mình chỉ hoạt động tại địa bàn nội thành các thành phố trên. Thiết bị mà họ cung cấp cũng thuộc diện rẻ tiền nên chỉ có S-Fone lúc này mới đủ khả năng cạnh tranh với Vinaphone và Mobifone.
Một trong những mẫu máy siêu rẻ của S-fone hiện được bán với mục đích sưu tầm
Tuy nhiên vì dùng công nghệ CDMA vốn ít thiết bị đầu cuối trên thị trường, trong những năm đầu tiên S-Fone vẫn chưa thể phổ biến bằng 2 mạng di động còn lại. Những năm 2006, nhà mạng này đã đưa ra mức giá chỉ 399.000 đồng cho cả thẻ sim có sẵn tài khoản và điện thoại. Nhắm vào đối tượng những người chưa có cơ hội tiếp cận với điện thoại di động, mức giá này đã giúp nhà mạng gia tăng lượng thuê bao mới.
Tới trước năm 2008, một mạng di động khác là HT-Mobile lúc đó cũng sử dụng công nghệ CDMA gặp khó khăn. Toàn bộ số thuê bao đã có của nhà mạng này được gửi sang cho S-Fone. Tới đầu năm 2008, S-Fone đã có hơn 3 triệu thuê bao.
Trở thành mạng CDMA cuối cùng...
Con số hơn 3 triệu thuê bao vào năm 2008 có vẻ như lớn nhưng trên thực tế đây vẫn là nhỏ nếu so sánh với 2 nhà mạng của VNPT và Viettel khi đó đã gia nhập thị trường. 3 nhà mạng này thực hiện chính sách đưa ra khuyến mại liên tục, thậm chí có những lúc người dùng thường xuyên chọn mua sim mới có sẵn tiền trong tài khoản thì rẻ hơn nạp thẻ nên số lượng thuê bao mới luôn áp đảo S-fone.
Một vấn đề khác mà S-fone gặp phải bắt nguồn từ chính công nghệ của mình. Các hãng di động lớn tại Việt Nam khi đó là Nokia, Sony Ericsson hay thậm chí cả điện thoại giá rẻ Trung Quốc đều không hỗ trợ CDMA. Điều này khiến cho S-fone tự cô lập mình.
Mặc dù nền tảng công nghệ làm cho họ có thể trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G nhưng họ đã không làm được. Thuê bao cũ rời mạng tăng do chất lượng mạng không đáp ứng được, thuê bao mới không tăng là mở đầu cho những ngày đi xuống của nhà mạng này.
Tháng 8/2009, SK Telecom đã chấm dứt đầu tư vào S-Fone. Liên minh thành lập nhà mạng ban đầu tan rã. Đầu tiên là nợ tiền đối tác, sau đó là đóng cửa các điểm giao dịch, ngừng hoạt động các trạm BTS vì không đủ tiền duy trì hoạt động. Vào giữa năm 2012, toàn bộ nhân viên bị ngừng hợp đồng lao động, website ngừng chạy. Tới năm 2013, nhiều nhân viên của nhà mạng này đã tổ chức treo biểu ngữ tại các chi nhánh đòi trả nợ lương.
Nhân viên S-fone thậm chí phải dùng đến biện pháp "biểu tình" để đòi quyền lợi
Tới cuối năm 2015, một số điểm tại thành phố Hồ Chí Minh khi mở máy điện thoại S-fone vẫn thấy có sóng nhưng lúc này gọi điện tới các thuê bao của nhà mạng, điện thoại chỉ hiện “Mạng bận”.
S-fone được nhiều người cho rằng đã chết “lâm sàng” từ 2012. Nguyên nhân lớn nhất có thể vì thị trường không còn cần một mạng di động CDMA. Trước S-Fone, một số mạng di dộng dùng công nghệ CDMA khác như HT-Mobile đã phải xin chuyển sang GSM để phục vụ được phần đông khách hàng.
Trước ngày hết hạn giấy phép, đã có một số thông tin cho rằng SPT đã xin gia hạn giấy phép của S-fone nhưng không được chấp nhận. Băng tần mà họ sử dụng hiện nay là 850 MHz đang được rất nhiều nhà mạng khác mong muốn.
Thứ còn lại duy nhất của S-fone lúc này là những khoản nợ. Việc chấm dứt hoạt động sẽ làm cho số nợ không tiếp tục tăng lên và cái tên S-fone sẽ sớm được quên hoàn toàn khi mà 4G đang trở thanh xu thế của tất cả các nhà mạng hiện nay.
Tùng Linh / BizLIVE