Với giả định rằng ngoài những nợ xấu đã được bán cho VAMC, phần còn lại vẫn được ghi nhận là các khoản vay trong sổ sách của Sacombank, chuyên gia cho rằng, thực tế nợ xấu của Sacombank có thể cao hơn đáng kể so với báo cáo của ngân hàng.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) chưa đưa ra kế hoạch tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, do đó, báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2015, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2016, và đại hội cổ đông 2016 đều bị trì hoãn. Tuy vậy, Báo cáo tài chính bán niên chưa soát xét của ngân hàng này cũng đã bộc lộ nhiều cảnh báo về chất lượng tài sản.
Theo báo cáo công bố, kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 363 tỷ đồng, giảm tới 76% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận này được dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm sau kiểm toán.
Kết quả xấu này không gây bất ngờ khi Sacombank sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (PNB) vào năm 2015, một ngân hàng có mức nợ xấu cao hơn 55% vào thời điểm cuối năm 2013.
Bên cạnh đó, các số liệu chính như dư nợ cho vay khách hàng, lãi phải thu, các khoản phải thu, và số dư VAMC đều đưa tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ về chất lượng tài sản.
Theo ước tính của bà Trịnh Ngọc Hoa, chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng thuộc CTCK VietCapital, nợ xấu từ các khoản cho vay khách hàng cao hơn đáng kể so với tỷ lệ được báo cáo của Sacombank ở mức 2,8%.
Tuy nhiên, NHNN sẽ khó có thể cho phép Sacombank đi theo một chiến lược tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cho đến khi chứng minh được ngân hàng có thể vượt qua những khó khăn hiện tại, việc này sẽ hạn chế lợi nhuận trong vài năm tới.
Theo VCSC, tài sản xấu của Sacombank tập trung chủ yếu vào các khoản cho vay khách hàng, khoản lãi phải thu, các khoản phải thu và trái phiếu VAMC.
Về khoản cho vay khách hàng, rủi ro cao do tỷ lệ nợ xấu cao tại PNB trước khi sáp nhập; hơn nữa, các khoản cho vay khách hàng nhận được từ PNB tập trung trong lĩnh vực bất động sản.
Dư nợ cho vay nhận được từ PNB được ước tính là khoảng 40.000 đồng tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu sau kiểm toán nhà nước tại thời điểm cuối năm 2013 là 55,3%.
Với giả định rằng ngoài những nợ xấu đã được bán cho VAMC, phần còn lại vẫn được ghi nhận là các khoản vay trong sổ sách của Sacombank, chuyên gia VCSC cho rằng, thực tế nợ xấu của Sacombank có thể cao hơn đáng kể so với báo cáo của ngân hàng.
Ước tính nợ xấu tại Sacombank thời điểm cuối quý II/2016. Nguồn: VCSC
Nguyên nhân là do tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ tại Sacombank tăng lên đáng kể từ năm 2015 khi thông tư 02 và 09 có hiệu lực, theo đó, thông tư yêu cầu hạ nhóm nợ các khoản cho vay được cơ cấu. Sacombank có tỷ lệ cho vay trung dài hạn cao nhất, tỷ lệ tăng đặc biệt từ năm 2015 sau khi sáp nhập với PNB.
Việc tỷ lệ này gia tăng đột biến có thể cho thấy dấu hiệu ngân hàng cơ cấu lại nợ xấu trước khi thông tư có hiệu lực để tránh nghĩa vụ trích lập dự phòng.
Lãi phải thu cao bất thường tại Sacombank cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng thực tế nợ xấu cao hơn so với báo cáo.
Lãi dự thu được tính toán dựa trên nợ gốc, lãi suất và thời hạn. Vì vậy, tỷ lệ lãi phải thu trên tổng tài sản sinh lãi sẽ giảm do lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều so với các năm 2013 và 2014; và điều này thực sự xuất hiện trong tất cả các ngân hàng khác ngoài Sacombank.
Lãi phải thu tương đương với khoảng 11,5% tài sản sinh lãi gốc tại Sacombank, có nghĩa các kỳ thu lãi trung bình cách nhau 11-12 tháng.
Giả định rằng các khoản cho vay ngắn hạn trả lãi hàng tháng hoặc hàng quý, thì các khoản vay trung dài hạn sẽ trả lãi mỗi 18-24 tháng. Điều này thường không xảy ra trong thực tế, trừ khi các khoản cho vay xấu đi nhưng được tái cấu trúc nhằm tránh hạ nhóm nợ và lập dự phòng.
Lãi phải thu nghi ngờ được ước tính lên đến 20 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 78,2% số lãi phải thu trên báo cáo. Các khoản phải thu chịu rủi ro tín dụng có số dư cao cũng đưa tín hiệu về khả năng nợ xấu tăng. Các khoản phải thu thông thường bao gồm khoản repo, ứng trước cho nhân viên hoặc khách hàng, ủy thác đầu tư,...Các khoản này đều chịu rủi ro tín dụng, do đó, có thể tạo ra nợ xấu.
Số dư trái phiếu VAMC cũng là một chỉ báo về chất lượng tài sản và triển vọng lợi nhuận, trong đó số dư VAMC cao sẽ kéo lợi nhuận xuống thấp.
Số dư trái phiếu VAMC tại Sacombank được ước tính khoảng 16.246 tỷ đồng vào cuối quý II năm 2016. Nếu so sánh tuyệt đối, thì số dư VAMC tại Sacombank được ước tính cao hơn hầu hết các ngân hàng khác, gấp 9 lần ACB và chỉ thấp hơn BIDV.
Nếu so sánh tương đối, thì Sacombank có tỷ lệ số dư VAMC trên tổng tài sản cao nhất, gấp đôi BIDV. Việc này tạo ra gánh nặng dự phòng cao, đặc biệt khi Sacombank đang phải giải quyết số lượng lớn các khoản nợ xấu vẫn còn ghi nhận trong sổ sách.
Vì vậy, nhiều khả năng trong kế hoạch tái cơ cấu, Sacombank sẽ ghi nhận dự phòng VAMC trong 10 năm, tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa ngân hàng sẽ không được phép để chia cổ tức trong khoảng thời gian này.
Linh Linh / BizLIVE