Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn còn rất lớn, đặc biệt là thị trường EU.
Đánh giá tổng quan về công nghiệp dệt may của Việt Nam trong thời gian qua, Thạc sỹ Đỗ Kim Chi, Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, ngành dệt may luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
“Với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, đội ngũ lao động có tay nghề ngày càng chiếm tỉ lệ lớn và sự ưu đãi từ các chính sách nhà nước, ngành dệt may đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp tới 14 - 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước”, bà Chi cho biết.
FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU.
Đáng chú ý theo bà Chi, Việt Nam có quy mô xuất khẩu sản phẩm dệt may đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, cung ứng trên 4% tổng hàng dệt may tiêu thụ trên toàn thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,68%/năm.
Tuy nhiên cũng theo bà Chi, dù nhiều mặt hàng dệt may đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua, nhưng vẫn ít có sự cải thiện trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2015 so với năm 2011.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm HS 61, HS 62 và HS63 chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp dệt may. Điều này cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn còn tập trung vào lĩnh vực may mặc, khả năng đa dạng hóa còn yếu kém cũng như cho thấy xu hướng chậm cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp dệt Việt Nam.
Dự đoán về triển vọng xuất khẩu dệt may thời gian tới, bà Chi cho rằng, tăng trưởng kim ngạch dệt may của Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu chủ yếu còn rất lớn. Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của thị trường EU.
“Với FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU. Còn tại thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ mặc dù luôn tăng từ 12 - 13%/năm, nhưng thực tế chỉ mới chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu của thị trường này”, bà Chi phân tích.
Bên cạnh đó, tại thị trường Nhật Bản, với mức tiêu thụ hàng may mặc hàng năm lên tới trên 40 tỷ USD, trong đó hơn 95% phụ thuộc vào nhập khẩu, bà Chi nhìn nhận đây là thị trường có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Với các thỏa thuận thuế quan được ký kết theo TPP, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên TPP có triển vọng tăng mạnh. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết tháng 5/2015 được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này”, bà Chi nhận định./.
Theo Nguyễn Quỳnh
VOV