Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các nhà khoa học, trường đại học, trung tâm - viện nghiên cứu và các cá nhân… nhưng việc thương mại hóa những kết quả này còn rất hạn chế.
Ảnh minh họa
Thiếu “địa chỉ” ứng dụng
Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KHCN) - cho biết, hiện nay, rất nhiều sản phẩm KHCN mới được tạo ra trong nước, được trao tặng các giải thưởng KHCN, có chất lượng tốt. Tuy nhiên, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thương mại hóa.
Đơn cử như dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của Công ty Thiên Dược (Bình Dương), sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn)… dù đều là các sản phẩm KHCN mới, được đánh giá cao nhưng do không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại và tâm lý e ngại của người tiêu dùng nên chưa có “đầu ra” ổn định.
Hay sản phẩm thuyền phao cứu sinh của Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Năm Sao đã được cấp bằng bảo hộ sáng chế có đối tượng hướng tới là ngư dân các tỉnh ven biển, mặc dù được ủy ban nhân dân các tỉnh và ngư dân đón nhận nhưng lại không có khả năng sản xuất hàng loạt do giá thành sản phẩm cao hơn so với phương tiện thuyền thúng truyền thống, ngư dân không có khả năng tiếp cận do thiếu vốn.
Trường hợp khác khó thương mại hóa là do thiếu các quy định về đánh giá, công nhận sản phẩm mới khiến cho các kết quả KHCN mới bị chậm trễ trong việc đưa ra thị trường.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc chuyên sản xuất cano, tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC và đã được cấp chứng nhận là doanh nghiệp KHCN, được trao tặng nhiều giải thưởng KHCN. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty lại không có khả năng triển khai thương mại hóa do chưa được cấp đăng kiểm, nguyên nhân do chưa có quy phạm điều chỉnh đối với công nghệ vật liệu mới PPC.
Tăng cường hỗ trợ
Theo Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm công nghệ là một trong những phương thức góp phần đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống.
Ông Đích cho rằng, nhà nước cần xây dựng các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các đơn vị thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN. Chẳng hạn, nếu các sản phẩm này có chất lượng tương đương của nước ngoài, nên được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước, giúp đơn vị nghiên cứu có nguồn thu ban đầu, tạo thương hiệu.
Đồng thời tăng cường hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm KHCN đến nhà đầu tư, người tiêu dùng thông qua các hội chợ, triển lãm, sàn giao dịch công nghệ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để sản phẩm KHCN mới được sản xuất và lưu thông trên thị trường. Đẩy mạnh thành lập các cơ quan trung gian chuyên nghiệp thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ. Đồng thời, triển khai các hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ của nước ngoài và có cơ chế khuyến khích sử dụng các sản phẩm nghiên cứu trong nước, hỗ trợ kinh phí thương mại hóa sản phẩm KHCN hướng tới đối tượng là những người có thu nhập thấp và tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Truyện -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VIELINA) - chia sẻ: “Chúng tôi rất cần sự ủng hộ của Bộ KHCN, Bộ Công Thương để có các ý kiến với các tập đoàn kinh tế về việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Chỉ có chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai mạnh mẽ thì các sản phẩm nghiên cứu khoa học trong nước của các đơn vị mới có thể đi vào thực tế”.
Theo Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm công nghệ là một trong những phương thức góp phần đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống. |