Hạn hán và xâm nhập mặn đang đe dọa sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang đe dọa sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà theo dự báo sẽ kéo dài đến tháng 6 càng làm nỗi lo nhân lên nhiều lần.
Chính phủ vào cuộc với những biện pháp cấp bách kể cả việc yêu cầu Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước đập thủy điện Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông Mêkông để giảm áp lực cho vùng đồng bằng Nam bộ.
Nguyên nhân dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn đã được nói đến quá nhiều. Đổ tội cho El Niño là dễ nhất và chúng ta xem đó như là thiên tai - mà lần này là thiên tai của thế kỷ như nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Đã là thiên tai thì chỉ có cách đối phó.
Nguyên nhân khác là nạn phá rừng và xây dựng thủy điện tràn lan làm nguồn nước bị suy kiệt và không được thanh lọc. Trong chừng mực, đây là sự trừng phạt của thiên nhiên. Nhiều người ví von đó là “nhân tai” nhưng ai gây ra và nơi nào chịu trách nhiệm về tình trạng tệ hại này thì chưa hề được chỉ đích danh như là một loại tội phạm hủy hoại tài nguyên và môi trường sống.
Tìm nguyên nhân cũng bằng thừa trong khi hạn hán và xâm nhập mặn là hai mặt của vấn đề sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân cần sớm có giải pháp trên nền tảng thích nghi với quy luật vận hành của thiên nhiên.
Từ thế kỷ 19, Thoại Ngọc Hầu bằng sức người đã cho dân phu đào kênh Thoại Hà để xã lũ, dẫn nước ngọt từ sông Hậu về khai phá vùng đất Rạch Giá - Long Xuyên và kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc - Hà Tiên cũng với mục đích phát triển nông nghiệp vùng này.
Thế nhưng do kênh quá lớn và do biến đổi khí hậu về sau này mặn xâm nhập từ phía Tây khiến nó không còn phát huy hiệu quả. Hồi ấy chúng ta chưa có kỹ thuật xây dựng đường ống như người Pháp đã làm để dẫn nước từ sông Đồng Nai theo quốc lộ 50 ra Vũng Tàu mà nay vẫn còn được sử dụng. Ở miền Tây Nam bộ, hơn 90% kênh rạch được đào từ thời Pháp cai trị, về sau này một số kênh rạch được chúng ta xây dựng tạo thành một mạng lưới cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng.
Tình trạng xâm nhập mặn cũng đã được dự báo. Hồi năm 1988, vệ tinh Landsat của Mỹ đã dự báo hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển nhiều vùng trên trái đất dâng cao trong đó ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là vào mùa khô. Những dự báo ấy không xa thực tế bao nhiêu khi mà hiện nay nước mặn đã xâm nhập vào ĐBSCL với mức độ nghiêm trọng.
Chẳng có gì đáng tự hào khi người dân trong nước phải ăn những hạt gạo kết tinh công sức của nông dân lẫn sự hỗ trợ của nhà nước với giá cao hơn gạo chúng ta xuất khẩu. |
Trước tình hình xâm nhập mặn, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra hai giải pháp: (1) hoàn chỉnh và tìm nguồn vốn khoảng 34.000 tỉ đồng nhằm xây dựng các công trình ngăn mặn, tích nước ngọt cùng với việc hướng dẫn người dân khoan giếng và (2) đưa ra một quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn.
Thế nhưng lấy đâu ra vốn với điều kiện ngân sách hiện nay trong khi yêu cầu chống xâm nhập mặn và hạn hán chẳng khác nào chữa cháy. Giải pháp được nghĩ đến lúc này theo một số chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL là cần sớm thiết kế đường ống đưa nước thô từ sông Hậu, sông Tiền, Vàm Cỏ với việc xây dựng nhiều nhà máy quy mô trung bình đưa nước về các vùng cận biển. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ Israel, quốc gia với phần lớn diện tích là sa mạc nhưng thành công về nông nghiệp nhờ hệ thống dẫn nước như vậy.
Các hệ thống đường ống như vậy khá thuận lợi vì có thể triển khai nhanh, chi phí không quá lớn lại chủ động cung cấp nước cho những vùng trồng lúa bị nhiễm mặn và trung hòa độ mặn cho vùng nuôi trồng thủy sản, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Giải pháp này giúp việc quy hoạch nông nghiệp dễ dàng hơn, tránh tình trạng người dân phá đê ngăn mặn để dẫn nước vào nuôi tôm như đã từng xảy ra ở Cà Mau và một số nơi khác.
Từ thực trạng phát sinh do khí hậu biến đổi và những giải pháp còn mang tính đối phó hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, nhất là việc trồng lúa theo tập quán lâu nay cần có cách nhìn thực tế hơn.
Chẳng có gì đáng tự hào khi người dân trong nước phải ăn những hạt gạo kết tinh công sức của nông dân lẫn sự hỗ trợ của Nhà nước với giá cao hơn gạo xuất khẩu.
Cụ thể gạo chất lượng thấp đang bán tại các chợ với giá 12.000 đồng một ký, tính ra một tấn là 12 triệu đồng, gần 600 đô la Mỹ. Trong khi đó, gạo xuất khẩu 25% tấm của chúng ta hiện bán chưa đến 400 đô la Mỹ một tấn. Đó chẳng phải là một nghịch lý sao. Người nông dân bị ăn chặn công sức, Nhà nước hao tốn tài vật, phải chăng ĐBSCL vựa lúa của Việt Nam đang làm nghĩa vụ quốc tề về an ninh lương thực để nhận được những đồng ngoại tệ không cân xứng với công sức bỏ ra?
Thế cho nên, cách đặt vấn đề của các chuyên gia về cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp - theo đó cần giảm diện tích trồng lúa, chú trọng vào giống năng suất và chất lượng cao để không phải chạy đua số lượng gạo với chất lượng thấp, phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ở các vùng bị xâm nhập mặn, cây ăn trái ở những nơi không thể trồng lúa - là đúng.
Theo tính toán của các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL, trong số 1,5 triệu héc ta trồng lúa hiện nay, thì 1 triệu héc ta là vùng đất cao chủ yếu thuộc vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, với ba vụ lúa một năm có thể cho sản lượng 15-17 triệu tấn lúa, tức vào khoảng 7 triệu tấn gạo.
Chúng ta còn có những vùng lúa khác góp phần đáng kể vào sản lượng, đủ đảm bảo an ninh lương thực với mức tiêu thụ đầu người như hiện nay là 125 ki lô gam và xuất gạo chất lượng cao. Nửa triệu héc ta thuộc vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn tại ĐBSCL chỉ nên trồng lúa mùa mỗi năm một vụ, mùa còn lại để nuôi tôm bởi trồng lúa trên chân ruộng mặn dẫn đến năng suất thấp thì nông dân không thể giàu lên được.
Thu hẹp diện tích trồng lúa thì đầu tư mạng lưới nước không quá tốn kém, người nông dân không phải phập phồng lo sợ thiên tai mất mùa nhờ cơ cấu sản xuất được tổ chức lại hợp lý hơn.
Sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ đã có những dự báo từ rất sớm và khuyến cáo cho bà con nông dân gieo cấy sớm để tránh hạn, sử dụng các giống chịu hạn, mặn nhưng bộ cũng không lường được cường độ El Niño khiến hạn và xâm nhập mặn lại khốc liệt như vậy. Cuối năm 2015, mặn xâm nhập sớm hơn một tháng, cường độ mặn rất lớn, phổ biến ở 10‰, nhiều nơi lên tới 20‰, trong khi bình quân hàng năm chỉ 4-5‰. Do đó, nhiều giống lúa, bắp chịu hạn mặn gieo cấy nhưng vẫn chết. Hơn nữa, độ xâm nhập mặn rất lớn, bình quân hàng năm chỉ 20-30 ki lô mét nhưng năm nay lên tới 50-70 ki lô mét, có nơi vào sâu tới 80 ki lô mét. Để ứng phó với hiện tượng thời tiết trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra hai giải pháp. Một là, bộ đưa ra quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL cho riêng năm 2016. Ngoài ra, bộ cũng đưa ra một loạt giống chịu được hạn, mặn, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Vụ xuân hè bộ đã khuyến cáo và chỉ đạo các địa phương không được để nông dân xuống giống, kể cả những vùng không bị xâm nhập mặn. Nhưng vừa qua, một số nơi nông dân vẫn xuống giống hơn 100.000 héc ta, vì vậy, số diện tích này sẽ bị mất trắng và nông dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ do đã có khuyến cáo từ trước. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền ở các địa phương vẫn còn bị coi nhẹ và nông dân vẫn canh tác theo thói quen. Hai là xây dựng các công trình thủy lợi để tích nước ngọt, ngăn mặn, kết hợp với trồng rừng. Tuy nhiên, đây là biện pháp rất tốn kém, theo ước tính phải cần khoảng 34.000 tỉ đồng để xây dựng các công trình cấp bách. Đồng thời, với hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay, bộ cũng sẽ phải rà soát lại quy hoạch sản xuất để đưa ra những kịch bản về nước biển dâng, xâm nhập mặn và hạn hán. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Đối với vùng ĐBSCL: đây là vùng có lợi thế về lúa và cây ăn quả, nên dù sao vẫn phải giữ lợi thế này, vừa để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo thu nhập, đời sống cho người nông dân. Song, cần phải nhấn mạnh, việc chuyển đổi này cần làm theo quy hoạch, có cơ sở khoa học, nếu cứ để người dân tự ý đưa nước mặn vào để nuôi tôm thì chỉ người dân đó được hưởng lợi còn những hộ xung quanh sẽ bị thiệt hại. Hơn nữa, nếu cứ dẫn nước mặn vào mà không làm theo quy hoạch có thể khiến cả vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn và mất đi vựa lúa của cả nước. Đối với vùng Tây Nguyên: đây là vùng có lợi thế về cây công nghiệp, cây lâu năm, đặc biệt là cây cà phê. Trước đây bộ đã có quy hoạch vùng này song việc tưới tiết kiệm không được đề cập tới nhiều. Do hạn hán kéo dài nên vùng này cũng sẽ phải thay đổi lại quy hoạch theo hướng thay đổi phương thức tưới hiện nay tốn nước nhưng không hiệu quả sang tưới phun sương, nhỏ giọt và việc đầu tư cũng không quá tốn kém. Với miền Trung: bộ sẽ quy hoạch theo hướng phải chuyển đổi cơ bản việc trồng lúa. Theo đó, chỗ nào hạn liên tục sẽ không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê hoặc chuyển hẳn sang trồng loại cây dùng ít nước khác. Chỗ nào ít nước, không trồng được cây ngắn ngày thì phải chuyển sang trồng cây dài ngày. Phải chuyển toàn bộ nền nông nghiệp ở đây theo hướng an toàn hơn. Thùy Dung lược ghi |
(theo thesaigontimes.vn)