Cùng với việc mua vaccine ngừa Covid-19, Việt Nam đang đẩy mạnh việc sản xuất vaccine trong nước, bao gồm loại nghiên cứu vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ sản xuất từ nước ngoài. Hiện mảng này đã có những chuyển động tích cực.
Kỹ thuật viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tăng tốc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu 2 loại vaccine ngừa Covid-19, là vaccine Nanocovax, do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Nanogen phát triển và Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC).
Trong đó, vaccine Nanocovax vừa được phê duyệt đề cương thử nghiệm giai đoạn 3, tức giai đoạn cuối trước khi đề nghị cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện nếu có hiệu quả tốt.
Một tín hiệu tích cực trong việc nghiên cứu loại vaccine này vừa được công bố là sau khi tiêm thử nghiệm giai đoạn 2, nồng độ kháng thể virus SARS-CoV-2 tăng rất cao, từ hàng chục cho đến hàng trăm lần. 100% tình nguyện viên tiêm vaccine Nanocovax đều sinh kháng thể trong máu.
Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong nước với số lượng người tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng khoảng 13.000 người.
Với vaccine Covivac, hiện đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, thực hiện báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2.
Theo baochinhphu.vn, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho biết quy mô sản xuất trên hệ thống cơ sở vật chất hiện có của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang là 6 triệu liều/năm, của Công ty Nanogen là 20-30 triệu liều/năm.
Cả hai đơn vị này đều có thể nâng công suất khi được đầu tư. Để nâng công suất, các nhà sản xuất cần đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên dụng và mở rộng nhà xưởng.
Với việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, liên tục những cuộc làm việc cấp chính phủ, quốc hội, bộ... vấn đề này luôn được đưa ra để thảo luận.
Vào tuần trước, trong cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Matvienko cho biết là đang xem xét việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, một đơn vị của bộ là Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã hợp tác với phía Nga trong việc đóng ống, gia công vaccine ngừa Covid-19.
Dự kiến, đến tháng 7 tới, công ty sẽ đóng ống, gia công vaccine ngừa Covid-19 của Nga tại Việt Nam, công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Công ty này cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Cũng vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị Johnson & Johnson về việc chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine của hãng tại Việt Nam, bên cạnh việc mua vaccine của hãng...
Thêm một thông tin khác là một tâp đoàn lớn trong nước đã thảo luận, đàm phán với một nhà sản xuất của Mỹ để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA, loại chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg. Kết quả thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 1 và 2 cho thấy có khả năng bảo vệ cao.
Cần thêm hỗ trợ từ Chính phủ
Một số ý kiến cho rằng, tuy việc nghiên cứu vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đã có những kết quả khả quan nhưng đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần thêm hỗ trợ từ Chính phủ để có kết quả tốt hơn nữa.
Với nghiên cứu vaccine trong nước, vốn đầu tư là vấn đề khó khăn. Các đơn vị nghiên cứu cần chi phí lớn cho các giai đoạn thử nghiệm, đặc biệt là cho giai đoạn 3 và cả giai đoạn chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang phát triển thương mại. Các khó khăn khác như khó tiếp cận các công nghệ, nguyên liệu cần thiết để hoàn thiện sản phẩm cũng là thách thức.
Mảng nghiên cứu, sản xuất vaccine, đặc biệt là vaccine ngừa Covid-19 là mảng như đầu tư mạo hiểm, không chỉ là từ khâu nghiên cứu mà việc đưa sản phẩm ra thị trường. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường rất khó đoán, tuy nhu cầu vaccine hiện tại rất cao nhưng tương lai thì chưa biết chắc.
Trong khi đó, mức hỗ trợ tối đa từ nguồn ngân sách nhà nước với dự án về vaccine chỉ ở mức 50%/tổng chi phí đầu tư, chưa đủ để đơn vị nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn yên tâm.
Để giải quyết khó khăn này, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi của pháp luật về đầu tư, đầu tư công nghệ cao nhất đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí, hướng dẫn định mức chi cho thử nghiệm lâm sàng và kinh phí đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất đối với vaccine trong nước từ Quỹ vaccine phòng Covid-19 cùng các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Cơ quan quản lý y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa đến 100% tổng mức kinh phí nghiên cứu, phát triển đầu tư mới cần thiết để thực hiện các dự án nghiên cứu vaccine phòng, chống dịch và tối đa đến 70% đối với các dự án chuyển giao công nghệ y tế khác.
Vào tuần trước, trong buổi làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, để chủ động thực hiện chiến lược vaccine, phải sản xuất được vaccine trong nước. Việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine phải vừa mang tính xã hội vừa mang tính thương mại.
Người đứng đầu chính phủ yêu cầu xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine cũng như tháo gỡ các mọi khó khăn để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Để thực hiện việc này, Thủ tướng giao Bộ Y tế đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine cũng như làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính. Tất cả nhằm mục đích phải sản xuất bằng được vaccine Covid-19 trong nước để chủ động bảo vệ sức khỏe cho người dân.