Từ cuối năm 2015 đến nay, thị trường hàng không Việt Nam trở nên sáng giá trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng phát triển nổi bật.
Mới 10 ngày trước đây, tin tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) sẽ trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines (VNA) đã gây phấn khích lớn trên thị trường và giới đầu tư ở thềm năm mới.
Thương vụ này đã được hai bên chốt lại và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Theo đó, Tập đoàn ANA sẽ mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá 2.431 tỉ đồng, tương đương 108 triệu USD.
Sau khi biên bản ghi nhớ giữa hai bên được ký kết, Vietnam Airlines sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ phê chuẩn kết quả đàm phán. Tiếp đến, hợp đồng mua bán cổ phần chính thức sẽ được ký trong quý I năm 2016.
Khi trở thành cổ đông chiến lược, Tập đoàn ANA sẽ cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị của Vietnam Airlines, đồng thời cam kết chia sẻ các kinh nghiệm quản trị, hỗ trợ Vietnam Airlines nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa hoạt động khai thác.
“Việc tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways ký hợp tác với Vietnam Airlines chứng tỏ Việt Nam là một thị trường hàng không đầy hấp dẫn”. Đó là bình luận của tờ ‘Thời báo Tài chính’ (Anh) về việc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa hãng Vietnam Airlines và ANA.
Còn theo Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp của giới doanh nghiệp nước này đổ vào thị trường Việt Nam tăng gấp 3 lần so với 4 năm trước đó và đạt khoảng 9 tỉ USD. Việt Nam được coi là một thị trường hàng không đầy hấp dẫn trong chiến lược mở rộng hoạt động ra toàn cầu mà tập đoàn ANA đang theo đuổi.
Cũng khoảng hơn tháng trước, những ngày cuối năm 2015, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Với 100% cổ phần đưa ra đấu giá được bán hết, Tổng Công ty này đã thu về hơn 1.000 tỉ đồng. Dù chỉ bán chưa đầy 4% vốn điều lệ, nhưng cổ phần của ACV vẫn vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn làm cổ đông chiến lược của ACV, trong đó có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Aeroports de Paris - ADP (Pháp), Changi Airport International (Singapore).
Tuy nhiên, cuộc đua để trở thành cổ đông chiến lược của ACV không dễ dàng. ADP không phải là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ tham gia trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới trên 22.430 tỉ đồng này. Một ứng cử viên nặng ký khác là Changi Airport International - công ty con của Tập đoàn Changi nổi tiếng của Singapore đăng ký sở hữu 20% vốn điều lệ đã bị loại do chỉ nộp hồ sơ năng lực của công ty mẹ thay vì năng lực của pháp nhân đề xuất tham gia làm cổ đông chiến lược.
Trong khi đó, BIDV - nhà đầu tư là tổ chức tài chính duy nhất đăng ký làm cổ đông chiến lược của ACV với tỉ lệ 5% vốn điều lệ, dù rất kiên trì, nhưng lại không đáp ứng được tiêu chí quy mô vốn chủ sở hữu (BIDV chỉ có vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2014 là 1,56 tỉ USD).
Theo thông tin mới nhất, Tập đoàn ADP đang có cơ hội lớn để trở thành cổ đông chiến lược thông qua việc sở hữu 20% vốn điều lệ của ACV. Không chỉ thỏa mãn các tiêu chí đề ra, tập đoàn này gây ấn tượng tốt với ACV về giá cổ phần cũng như lộ trình đàm phán bán chiến lược.
Cụ thể, ADP chào giá mua chiến lược bằng giá đấu giá thành công thấp nhất đợt IPO của ACV, tức là không thấp hơn là 13.100 đồng/cổ phần. Đồng thời, đối tác đến từ Pháp cũng muốn ký một biên bản ghi nhớ về việc tham gia với tư cách cổ đông chiến lược trong quý I/2016 và hoàn tất giao dịch trong nửa đầu năm 2016.
Theo Công Trí - chinhphu.vn