Theo nhiều chuyên gia, xét về mặt kim ngạch thì xuất khẩu rau quả những năm gần đây có sự tăng trưởng ấn tượng. Nhưng xét về độ rộng của mỗi thị trường thì rau quả Việt Nam chưa đạt yêu cầu vì bán chưa nhiều.
Ảnh minh họa. |
Trong khi xuất khẩu (XK) của nhiều mặt hàng nông nghiệp bị “hụt hơi” thì trong năm qua, XK ngành rau quả đã có một bước bứt phá ngoạn mục.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2016, kim ngạch XK ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2015 và vượt kế hoạch XK của Bộ Công Thương đề ra (2,2 tỷ USD). Năm 2017, dự kiến Australia sẽ mở cửa tiếp cho trái thanh long, Nhật Bản mở cửa cho thanh long ruột đỏ và Hoa Kỳ mở cửa cho quả vú sữa của Việt Nam...
Năm 2016, ngành rau quả Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho 5 mặt hàng xuất đi 4 thị trường gồm: xoài đi Australia, thanh long đi Đài Loan (Trung Quốc), nhãn và vải đi Thái Lan, hạt điều đi Peru. Như vậy, rau quả Việt Nam đã XK vào được hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đối với mặt hàng trái cây, Việt Nam đã xuất đi 29 loại, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức, Hàn Quốc… Trong đó thanh long chiếm vị trí đầu bảng với giá trị XK đạt hơn 700 triệu USD, tương đương gần 50% tổng giá trị XK. Tiếp theo là nhãn, dưa hấu... đều tăng trưởng ấn tượng.
Theo nhiều chuyên gia, xét về mặt kim ngạch thì XK rau quả những năm gần đây có sự tăng trưởng ấn tượng. Nhưng xét về độ rộng của mỗi thị trường thì rau quả Việt Nam chưa đạt yêu cầu vì bán chưa nhiều. Đặc biệt là trái cây tươi hiện đã trở thành ưu thế mạnh trong XK các sản phẩm trái cây Việt Nam. Mặt hàng trái cây có cơ hội phát triển, hơn nữa nếu các DN biết đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Tại Hội nghị “Quản trị chuỗi cung ứng lạnh - mát và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp tại Việt Nam” tổ chức ngày 28-2 vừa qua, ông Julien Brun, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn CEL nhận định: "Ngành nông nghiệp của ĐBSCL đóng góp rất quan trọng vào nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi cung ứng nông nghiệp vùng này còn rời rạc, hiệu quả thấp".
Cụ thể, chuỗi cung ứng có quá nhiều bên trung gian - thương lái. Thương lái đóng vai trò thương nhân bán nông sản cho DN nên dễ dàng thao túng giá và nguồn cung. Điều này làm chậm dòng chảy hàng hóa cũng như làm tắc nghẽn, thiếu minh bạch dòng chảy thông tin. Hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường và cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Điều này dẫn đến tình trạng bên cung và bên cầu không bắt được nhịp với nhau. Hệ quả, DN không đủ thông tin để dự báo và lập kế hoạch cung ứng.
Ngoài ra, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đã khiến nông sản bị tổn thất nặng. Thời điểm tối ưu nhất là sơ chế sau thu hoạch (để giảm tỷ lệ hư hỏng) trong khi tại Việt Nam việc sơ chế sau thu hoạch còn khá thủ công vì đa số là sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, dẫn đến tỷ lệ tổn thất nông sản cao từ 25-40%, thậm chí ở mặt hàng trái cây, rau quả tỷ lệ tổn thất lên đến 45%.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tập trung cải thiện chuỗi cung ứng lạnh - mát áp dụng trong chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Sự quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh - mát ứng dụng trong bảo quản nông sản là điều không bàn cãi. Tiềm năng phát triển của ngành cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam cũng được đánh giá đứng thứ 17 trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, rào cản lớn nhất có lẽ là chi phí. Thay vì sử dụng dịch vụ bảo quản lạnh hay làm mát thì nông sản Việt lại khoác lên mình loại hóa chất giúp nông sản giữ được vẻ tươi mới trong thời gian khá dài. Nguyên nhân là do hóa chất này quá rẻ, quá thấp so với việc DN làm mát - giữ lạnh trên toàn chuỗi khi vận hành.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong thang điểm 100, Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản. So với Philippines, Việt Nam trội hơn về quản lý chất lượng nhưng lại kém hơn về hoạt động chuỗi cung ứng và thương mại. Việt Nam cũng có điểm số thương mại thấp hơn Campuchia và Lào.
Đánh giá trên cho thấy, việc áp dụng công nghệ lạnh - mát sẽ là giải pháp hữu hiệu trong những trường hợp nông sản vào vụ thu hoạch rộ. Khi sẵn có hệ thống nhà máy chế biến, đông lạnh thì có thể tiếp tục XK trong những giai đoạn sau với giá cả ổn định, đồng thời tạo sự ổn định về hàng hóa. Tuy nhiên, ứng dụng này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Và, bài toán về chất lượng rau quả vẫn còn là vấn đề nhức nhối, cần phải giải quyết tốt hơn nữa.
XK rau quả của Việt Nam mặc dù đạt con số ấn tượng nhưng thị trường XK chính là Trung Quốc (chiếm đến 70%). Việc quá phụ thuộc vào một thị trường cũng là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao. Vì vậy, việc khơi thông các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… sẽ vừa giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất, vừa tránh cho trái cây Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chuyên gia đầu ngành về cây trồng cho rằng:
“XK nông sản 2017 sẽ hy vọng sáng sủa hơn, nếu thiên tai được dự báo sớm, nếu phân tích thị trường được đầu tư nghiên cứu bài bản, nếu sản xuất được chú ý nhiều hơn thông qua kết quả nghiên cứu khoa học (đây là nội dung rất yếu kém, đầu tư cho khoa học nông nghiệp khoảng 15 triệu USD/năm là thấp vô cùng). Chính phủ nên trích 1% tổng kim ngạch XK nông sản cho nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của nông nghiệp ngày mai”.
Theo ANTĐ