Năm 2020 chứng kiến sự thăng trầm của thị trường ô tô Việt Nam. Nửa đầu năm, sức mua giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nửa cuối năm lại đảo chiều tăng trưởng ấn tượng, nhất là với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Xe lắp ráp thống lĩnh thị trường
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán ô tô từ tháng 7-11/2020 đạt 141.625 chiếc, vượt qua doanh số bán cùng kỳ 2019 là 134.710 chiếc. Trong đó, xe lắp ráp trong nước bán ra đạt 90.790 chiếc, vượt xa con số 74.000 chiếc so với cùng thời điểm này năm ngoái. Có thể nói, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã hồi phục ấn tượng.
Trong bảng xếp hạng top 10 xe bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam 11 tháng vừa qua, chiếm đa số là xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Đáng chú ý là những cái tên như Toyota Vios với 26.198 xe, Hyundai Accent 17.522 xe, Hyundai Grand i10 14.653 xe, Kia Cerato 10.223 xe, Mazda CX5 9.948 xe, Hyundai Santa Fe 9462 xe,...
Xe sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2020 bán chạy
VinFast Fadil là mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước có tăng trưởng ấn tượng về doanh số bán. Kể từ tháng 9 đến nay, mẫu này luôn giữ vững vị trí dẫn đầu phân khúc hạng A: từ 1.515 xe bán ra trong tháng 9 tăng lên đến 2.816 xe trong tháng 11. Lũy kế từ tháng 7 đến tháng 11, VinFast Fadil bán được 8.616 xe, vượt qua con số 8.239 xe của Hyundai Grand i10 cùng kỳ.
Điểm ấn tượng nữa là các doanh nghiệp ô tô Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trước các doanh nghiệp FDI. Công ty Trường Hải dẫn đầu thị trường về doanh số bán, còn TC Motor cũng vượt qua Toyota Việt Nam, giành lại vị trí thứ hai tại Việt Nam.
Lý giải về sự tăng trưởng của các mẫu xe sản xuất và lắp ráp trong nước, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, là do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và áp thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được của Chính phủ, cùng với các doanh nghiệp mạnh tay giảm giá nhiều mẫu xe. Nhờ đó, các dòng xe lắp ráp trong nước có ưu thế hơn so với xe nhập khẩu, giúp kích cầu tiêu dùng.
Với việc giảm 50% lệ phí trước bạ giúp khách hàng tiết kiệm được từ 15- 270 triệu đồng khi mua các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước. Hơn nữa, áp thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được cũng giúp một số mẫu xe giảm chi phí sản xuất từ 2-3%, giúp giá giảm.
Nỗi lo “tụt dốc"
Tuy nhiên, cũng phải kể đến những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc giảm giá xe. Nửa cuối năm, dù đã nhận được những hỗ trợ ưu đãi từ Chính phủ, nhưng nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn được các doanh nghiệp khuyến mãi khủng.
Điển hình, khách mua Toyota Vios nhận được ưu đãi lên tới 25-35 triệu đồng, Toyota Innova ưu đãi từ 30-40 triệu đồng, Toyota Fortuner từ 40-60 triệu đồng; Honda CR-V giảm từ 50-80 triệu đồng tiền mặt, tặng thêm gói phụ kiện; Hyundai Santa Fe giảm 30-50 triệu đồng; VinFast Fadil giảm 20-30 triệu đồng, VinFast Lux A 2.0 giảm tới 80 triệu đồng và VinFast Lux SA 2.0 được giảm 120 triệu đồng,... Mua xong, đi đăng ký được giảm thêm 50% lệ phí trước bạ, tính ra số tiền tiết kiệm được rất lớn.
Nhờ chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cùng nhiều chính sách ưu đãi, giá ô tô lắp ráp trong nước giảm mạnh, doanh số bán tăng cao
Dự báo sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 11 và 12/2020. Các doanh nghiệp ước tính năm 2020, doanh số xe sản xuất lắp ráp trong nước toàn thị trường tương đương năm 2019.
Tuy nhiên, thách thức đang chờ đợi các nhà sản xuất ô tô trong nước khi phải cạnh tranh với xe nhập khẩu. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với ô tô trong nước chỉ vào khoảng 10-20%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia là 60-80%. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia 15-20%, làm giảm tính cạnh tranh so với các mẫu xe nhập khẩu.
Sang đầu năm 2021, khi ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ không còn, thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ gặp bất lợi trước xe nhập khẩu. Các chính sách ưu đãi cho xe sản xuất lắp ráp trong nước đủ mạnh chưa nhìn thấy đâu. Trong khi đó, xu hướng của ô tô thế giới là tăng thêm nhiều công nghệ mới và giảm giá bán.
Một chính sách quan trọng được các doanh nghiệp mong chờ là điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Mức thuế này quá cao, hạn chế người dân sử dụng ô tô, khiến sản xuất ô tô không phát triển. Tuy nhiên, việc này bàn mãi vẫn chưa thông. Nếu chính sách ưu đãi được áp dụng, giá nhiều mẫu ô tô trong nước sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2021, như vậy mới tăng được năng lực cạnh tranh.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong vòng luẩn quẩn. Sức cạnh tranh các xe nội địa quá yếu, vì thế sẽ gặp khó trong năm 2021 dù thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10%.