Huyện miền núi Như Thanh là một trong những địa phương bùng lên cơn "sốt" đất được cho là khủng khiếp nhất từ trước đến nay tại Thanh Hóa nhưng đến giờ gần như không còn giao dịch nào.
Giá đất tăng gấp 10 lần sau Tết
Trong thời gian ngắn, giá đất tại nhiều nơi ở Thanh Hóa bỗng lên cơn "sốt", giá đất nền tăng liên tục. Nhiều cá nhân đổ xô vào đầu cơ, hưởng chênh lệch, đẩy giá lên cao, tạo ra những cơn sóng "sốt đất" đến khó tin. Trong đó, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), giá đất bất ngờ tăng vọt 10 lần so với bình thường.
Nguyên nhân đẩy giá đất tăng được cho là từ thông tin sẽ có dự án đầu tư hệ thống cáp treo và du lịch quy mô lớn của Tập đoàn Sun Group tại khu vực Vườn Quốc gia Bến En.
Những mảnh đất ở xã Xuân Thái nếu năm ngoái bán với giá 80-100 triệu đồng thì trong cơn sốt đất vừa qua đã bán với giá hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán, giá đất tại đây "nóng" lên từng ngày. Không chỉ trong tỉnh, người từ Hà Nội, TP.HCM còn ùn ùn kéo nhau về tìm hiểu. Đất ở, đất rừng từ chỗ thuận lợi đến nơi hẻo lánh đều có người hỏi mua.
Tại xã Xuân Thái, địa phương vùng sâu, vùng xa cách trung tâm thị trấn Bến Sung của huyện Như Thanh gần 20 km, giao dịch mua bán vô cùng nhộn nhịp. Biển treo bán đất, dán số điện thoại giao dịch đất xuất hiện bên đường đi vào các thôn bản, thậm chí dán trên bờ tường nhà dân - điều chưa từng thấy ở xã được coi là vùng sâu, vùng xa nhất nhì của huyện miền núi này.
Không những đất ruộng, người dân ở khắp nơi còn đổ xô đến đòi mua cả đất rừng.
Dù cho đến thời điểm này, dự án vẫn đang "còn trên giấy", người dân địa phương đã khẳng định vị trí đặt nhà ga cáp treo, khu sân golf, hệ thống nhà hàng, các khu dịch vụ của một khu du lịch. Từ đó, giá đất liên tục biến động, nhất là khu vực sát hồ sông Mực, xã Xuân Thái.
Thực tế, có mảnh đất bán ra trước Tết Nguyên đán giá 80 triệu đồng, sau Tết đã tăng lên hơn 1 tỷ đồng. Mảnh đất giá 400 triệu đồng, qua nhiều tay mua đi bán lại đã lên hơn 5 tỷ đồng. Hiện tượng giá đất "nhảy múa" diễn ra nhiều nơi ở xã Xuân Thái cũng như nhiều xã lân cận. Nhiều người ở địa phương khác còn "ôm" cả chục mảnh đất ở đây.
"Đất vàng" vắng bóng người mua bán
Theo ghi nhận, những ngày gần đây, tại các xã Hải Long, Xuân Thái, thị trấn Bến Sung - nơi được cho là "đất vàng" khi dự án đi qua đã không còn cảnh người mua, kẻ bán. Các đối tượng "cò" đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn. Tại xã Xuân Thái - nơi cơn "sốt đất" khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán cũng trong tình cảnh "vắng như chùa bà đanh".
Con đường dẫn vào "đất vàng" xã Xuân Thái đã vắng như chùa bà đanh, không còn kẻ bán, người hỏi mua.
Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết, có khoảng gần 30 gia đình chuyển nhượng đất trong thời điểm đất lên cơn sốt vừa qua.
"Cơ bản người dân được hưởng lợi sau đợt "sốt đất". Người dân cũng không ngờ đất ở vùng sâu vùng xa lại được bán với giá cao như vậy. Nhiều gia đình bán được giá gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày trở lại đây, mọi hoạt động đã diễn ra bình thường, không còn hiện tượng mua bán, giao dịch đất như sau Tết Nguyên đán nữa" - ông Đại nói.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Huy Chung, Trưởng Phòng TN&MT huyện Như Thanh cho biết, xuất hiện tình trạng "sốt" đất này là do tâm lý đón đầu dự án để tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Đặc biệt, có hoạt động can thiệp các đối tượng xấu ngoài xã hội và "cò đất" vào các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất để thổi giá, ép giá kiếm lời. Nhiều đối tượng đã đưa ra các thông tin quy hoạch, thông tin triển khai dự án không chính xác để đánh vào tâm lý người mua nhằm đẩy giá đất lên cao.
Cũng theo ông Chung, "cơn sốt đất" đã hạ nhiệt sau Công văn cảnh báo của UBND tỉnh và 2 văn bản của UBND huyện. Đến nay, gần như không có giao dịch nào nữa. Người dân cơ bản được hưởng lợi và rất may không có nạn nhân nào trong vụ "sốt đất" vừa qua.