Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, Ấn Độ vừa ra thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá với máy chế biến nhựa. Theo đó, thuế suất chống phá giá áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam là 23.15%.
Ảnh minh họa.
Thông báo phát đi từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) có đề cập, vào ngày 7/1/2016, Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ ra thông báo về kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá với máy chế biến nhựa nhập khẩu từ Việt Nam và 3 nước khác gồm Đài Loan, Philippines, Malaysia.
Sau khi xem xét cả biên độ thiệt hại, cơ quan điều tra đã quyết định thuế suất chống phá giá áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất/ xuất khẩu Việt Nam là 23.15%, Philippines là 30.85%, và Malaysia là 44.74%.
Chỉ có duy nhất hai doanh nghiệp của Đài Loan được coi là hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và được hưởng mức thuế suất 0 - 6.06%. Các doanh nghiệp Đài Loan không hợp tác khác phải chịu mức thuế 27.98%.
Được biết, nguyên đơn trong vụ kiện lần này là Hiệp hội các nhà sản xuất máy nhựa của Ấn Độ. Giai đoạn bắt đầu điều tra bán phá giá từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2014 và giai đoạn điều tra thiệt hại được tiến hành trong 4 năm, từ năm 2010 đến năm 2014.
Trong bản kết luận cuối cùng, cơ quan điều tra xác định rằng họ đã không nhận được bất kỳ bản trả lời đầy đủ nào đối với bản câu hỏi điều tra từ phía các nhà sản xuất/ xuất khẩu của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Do vậy, các dữ liệu có sẵn được sử dụng để xác định mức độ và phạm vi bán phá giá (nếu có) đối với các doanh nghiệp này.
Trước đó, tại thông báo về bản kết luận điều tra vào ngày 29/12/2015, mức biên độ phá giá đối với Việt Nam được xác định là 40-50%.
Theo TUYẾT NHUNG / BizLIVE