Mít Thái là loại cây trồng có “kỳ tích” ấn tượng trong ngành cây ăn trái Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, bởi có sự phát triển vượt bậc về xuất khẩu và sản xuất. Thế nhưng, chính sự “bùng nổ” ấy đang tạo ra những khó khăn nhất định cho người nông dân trong thời điểm hiện nay.
Cây mít ĐBSCL ‘chao đảo’ bởi chiêu ép giá của thương lái Trung Quốc
Mít Thái là loại cây trồng có kỳ tích xuất khẩu khá ấn tượng trong ngành cây ăn trái Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh
Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quí đầu năm 2019, mít là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 8 trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam (sau thanh long, sầu riêng, xoài, chuối, dưa hấu, nhãn và măng cụt), với kim ngạch đạt hơn 25,8 triệu đô la Mỹ, tăng 36,3% so với cùng kỳ.
Còn khi xét ở phân khúc sản phẩm đã qua chế biến thì mít chưa có mặt trong danh mục được thống kê riêng của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, một năm sau đó, tức bước sang quí đầu của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mít đã vượt lên vị trí thứ 5 (tức tăng 3 bậc so với 2019) trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (sau thanh long, xoài, chuối và dưa hấu), với kim ngạch đạt gần 31,3 triệu đô la Mỹ, tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ở phân khúc sản phẩm đã qua chế biến, mít cũng đã xuất hiện trong danh mục thống kê của Tổng cục Hải quan với kim ngạch quí đầu năm 2020 đạt trên 3,2 triệu đô la Mỹ, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước đó.
Riêng trong quí đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mít tiếp tục vượt lên vị trí thứ 4 (tăng 1 bậc so với năm 2020 và tăng đến 4 bậc so với năm 2019) trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (sau thanh long, xoài và chuối), với kim ngạch đạt gần 52 triệu đô la Mỹ, tăng đến 66,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với sản phẩm đã qua chế biến, thì kim ngạch xuất khẩu mít đạt trên 5,7 triệu đô la Mỹ, tăng đến 74,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua những con số thống kê ở trên trong quí đầu từ năm 2019 đến nay cho thấy tốc độ phát triển trong xuất khẩu mít là vô cùng ấn tượng. Điều này, cũng chính là lý do thúc đẩy việc phát triển sản xuất mít (chủ yếu là mít Thái) ở ĐBSCL gia tăng rất nhanh trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Kỳ, chủ vựa thu mua mít ở Tiền Giang xác nhận, nhu cầu tiêu thụ mít Thái trong những năm qua liên tục tăng mạnh, giúp thúc đẩy việc hình thành các cơ sở thu mua cũng như phát triển sản xuất trong dân cũng tăng rất nhanh. “So với cách đây ba năm, riêng ở Tiền Giang, số lượng các cơ sở chuyên thu mua, tiêu thụ mít cho người dân, hiện có thể đã tăng gấp ba lần”, ông Kỳ dự đoán.
Nhiều hộ dân đã huỷ kế hoạch lên liếp mở rộng diện tích mít Thái. Ảnh: Trung Chánh
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc (đề nghị không nêu tên) cho biết, đa phần sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng quả tươi sang thị trường Trung Quốc. “Thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc là rất lớn, giúp giá mít duy trì ở mức cao, thậm chí có thời điểm lên đến 50.000-60.000 đồng/kg (mua tại vườn nông dân - PV), giúp kích thích sản xuất gia tăng rất nhanh về diện tích”, ông cho biết.
Số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng diện tích mít ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn nuôi trái và thu hoạch đến tháng 4-2021 khoảng hơn 39.000 héc ta.
Tuy chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại đây, nhưng loại cây trồng này đã vượt qua diện tích của nhiều loại cây ăn trái đã phát triển từ trước đó nhiều năm như thanh long (hơn 25.300 héc ta), chôm chôm (hơn 19.500 héc ta), nhãn (30.200 héc ta); thậm chí vượt cả diện tích của cây sầu riêng (hơn 36.100 héc ta)…
Việc gia tăng quá nhanh về diện tích, tuy tình hình tiêu thụ hiện vẫn diễn ra thuận lợi, nhưng giá mít ở ĐBSCL, nhất là trong khoảng thời gian hơn hai tháng qua, đã xuống khá thấp, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg đối với trường hợp mua không phân loại như thời điểm hiện nay.
Còn trường hợp phân loại, thì mít loại 1 hiện có giá 11.000 đồng/kg; loại 2 là 7.000 đồng/kg; loại 3 là 5.000 đồng/kg; mít kem là 4.000 đồng/kg và mít chợ là 2.000 đồng/kg. Thế nhưng, việc phân loại rất khó khăn khi có đến 80-90% số lượng bị "dạt" xuống là loại mít kem và chợ.
Chính điều này đang khiến nhiều hộ trồng mít ở ĐBSCL buộc phải huỷ bỏ kế hoạch mở rộng diện tích, khiến giá cây giống cũng giảm mạnh, tình hình tiêu thụ khá khó khăn.
Cụ thể, cây mít Thái giống hiện có giá chỉ còn 15.000-35.000 đồng/cây (tùy lớn nhỏ) so với mức giá 45.000-60.000 đồng/cây trước đó. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cũng khá chậm, thậm chí một số chủ vựa cây giống đã vận chuyển đi "bán dạo", thay vì "ngồi nhà" cũng có người đến mua như trước.