Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), nhà sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng có quy mô lớn nhất Thái Lan vừa có những động thái mới nhằm củng cố, gia tăng thị phần của thương hiệu Xi măng Sông Gianh tại miền Trung.
“Chắc chân” tại thị trường miền Trung
Sau hơn 3 tháng sở hữu Xi măng Sông Gianh thông qua hình thức mua lại 100% cổ phần từ Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung, Công ty Thành Hưng (Lê Duẩn, Đông Giang, TP. Đông Hà, Quảng Trị) tiếp tục được Tập đoàn SCG “chọn mặt gửi vàng”, đảm nhiệm vai trò nhà phân phối chính thức Xi măng Sông Gianh tại thị trường Quảng Trị.
Nhà máy Xi măng Sông Gianh phát triển ổn định sau khi về tay Tập đoàn SCG của Thái Lan. |
Dù thị trường xi măng đang cạnh tranh rất khốc liệt và nhiều thương hiệu mới ra mắt, nhưng tại Quảng Trị và khu vực miền Trung, Xi măng Sông Gianh đang có những lợi thế nhất định về tiêu thụ, do thương hiệu sản phẩm đã khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nhiều năm qua. Thêm nữa, giá bán của Xi măng Sông Gianh khá linh hoạt và cạnh tranh so với một số thương hiệu.
Theo Công ty Thành Hưng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tiêu thụ của Xi măng Sông Gianh đạt 120% so với cùng kỳ. “Với đà này, việc hoàn thành mục tiêu tiêu thụ hơn 100.000 tấn Xi măng Sông Gianh cho cả năm là khả thi”, bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Công ty Thành Hưng cho biết.
Điều này cũng được đại diện Tập đoàn SCG thừa nhận. Để tiếp tục đưa Xi măng Sông Gianh phát triển lớn mạnh hơn nữa trên thị trường miền Trung, SCG đặc biệt hướng tới nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động marketing.
Cùng lúc, các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị phần đối với thương hiệu STARCEMT, sản phẩm của Nhà máy Xi măng Văn Hóa vẫn được duy trì để lan tỏa thương hiệu tại khu vực TP.HCM và miền Tây Nam bộ.
Không ngừng thôn tính
Đầu năm nay, Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, công ty thành viên của Tập đoàn SCG, đã mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông hiện tại của Công ty VCM.
VCM sở hữu Nhà máy Xi măng Sông Gianh, công suất 1,4 triệu tấn clinker/năm và 5 trạm nghiền cung cấp cho thị trường miền Trung 2 triệu tấn xi măng/năm với thương hiệu Xi măng Sông Gianh.
Ngoài ra, Nhà máy Xi măng Văn Hóa, công suất 1,6 triệu tấn clinker và 4 trạm nghiền xi măng đặt tại vị trí thuận tiện tại TP.HCM, miền Tây Nam bộ, sản xuất xi măng với thương hiệu cao cấp STARCEMT, có khả năng cung cấp ổn định ra thị trường 1,8 triệu tấn xi măng.
Với năng suất hiện nay của nhà máy ở mức trên 3 triệu tấn, SCG cho biết, có nhiều tiềm năng để nâng công suất lên tối đa.
Sau thương vụ này, tổng công suất xi măng của Tập đoàn SCG tại khu vực châu Á đã tăng lên 10,5 triệu tấn mỗi năm, chưa kể công suất sản xuất tại Thái Lan là 23 triệu tấn.
Trong các sự kiện về xúc tiến đầu tư Thái Lan - Việt Nam năm 2016, đại diện SCG cho biết, sẽ tiến hành tăng vốn, thông qua việc mở rộng đầu tư với các dự án hiện có tại Việt Nam và để ý tới các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp trong ngành xi măng, vật liệu xây dựng để củng cố vị trí của SCG tại Việt Nam.
Một trong những thương vụ lớn nhất của SCG phải kể đến vụ thâu tóm Prime Group.
Tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần của Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng ).
Hồi năm 2011, SCG cũng đã mua lại Xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và đầu tư thêm 5,5 triệu USD để nâng công suất lên 200.000 tấn/năm.
Các doanh nghiệp xi măng cho rằng, với tiềm lực tài chính mạnh, thị trường sẵn có, các ông chủ Thái Lan đang có nhiều lợi thế trong việc thôn tính cũng như lập kế hoạch kinh doanh cho các nhà máy xi măng tại Việt Nam.
Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), các nhà sản xuất xi măng trong nước sẽ phải sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi ngày càng quyết liệt hơn ngay trên sân nhà.
Thế Hoàng / baodautu