Dự kiến vốn Nhà nước sẽ chỉ chiếm 31-34% trong khi vốn tư nhân chiếm 45-48% trong tổng đầu tư xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư về trả lời chất vấn đại biểu và cử tri tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội lần này cho biết tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 dự kiến 9 – 10 triệu tỷ đồng. Trong đó cơ cấu vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020, còn vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.
Để đạt mục tiêu huy động vốn từ khu vực tư nhân, theo Bộ KHĐT, sẽ thực hiện đầy đủ các giải pháp để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đầu tiên là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; Khuyến khích thành lập doanh nghiệp trên cơ sở thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô thông qua các chính sách như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động…
Tiếp theo là mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân; Xoá bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Xây dựng chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.
Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng như các biện pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp,...
Theo Tùng Lâm - Dũng Trần
Nhịp sống kinh tế