Sau Covid-19, kịch bản xấu nhất có 'làn sóng' bán tháo khách sạn của nhà đầu tư tư nhân nhằm cắt lỗ. Điều này sẽ làm cho môi trường kinh doanh du lịch của các điểm đến xáo trộn không nhỏ và sẽ tác động đến khả năng phục hồi của ngành du lịch.
Một góc bãi biển Nha Trang, phía sau đó là hàng loạt khách sạn. Thành phố biển này là một trong những địa phương có số lượng khách sạn nhiều nhất trên cả nước. Ảnh: Đào Loan
Thông tin trên có trong nghiên cứu "Phương án phục hồi điểm đến du lịch tại Việt Nam" của Công ty nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting.
Theo đó, có ba vấn đề nội tại có nguy cơ tác động đến khả năng phục hồi của ngành du lịch tại các điểm đến, bao gồm, sự thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, doanh nghiệp du lịch địa phương chưa vững mạnh và mức độ sẳn sàng của ngành trước khủng hoảng.
Sự thiếu vững mạnh của doanh nghiệp thể hiện một phần ở sự tăng trưởng quá "nóng" của mảng khách sạn. Các khách sạn mở ra quá nhiều trong một thời gian ngắn tuy giúp đa dạng hóa nguồn cung, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách nhưng cũng đem lại hệ lụy.
Đó là, suất đầu tư quá lớn, chi phí vận hành cao khiến thời gian hoàn vốn dài và dòng vốn lưu động yếu. Vì vậy, doanh nghiệp dễ dàng lún sâu vào khủng hoảng khi nguồn khách bị suy giảm đột ngột.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting, cho rằng có thể lấy câu chuyện đầu tư khách sạn dẫn đến thừa phòng ở Đà Nẵng và Nha Trang làm ví dụ. Quá nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường khiến suất đầu tư quá cao. Vì vậy, các chủ đầu tư phải lao vào kiếm tiền để bù lại chi phí, không thể trích lập quỹ dự phòng hay bảo đảm dòng vốn lưu động tối thiểu.
Trong bối cảnh đó, khi xảy ra tình trạnh du khách suy giảm đột ngột và không biết thời điểm hồi phục như thời điểm hiện tại, khách sạn đối mặt với áp lực rất lớn về chi phí vận hành, lãi vay ngân hàng...
Covid-19 là một cột mốc để "sàng lọc" lại thị trường khách sạn tại địa phương. Những nhà đầu tư theo phong trào, đầu tư thiếu nghiên cứu thị trường hay chỉ "lướt sóng" sẽ khó trụ lại.
Để bảo đảm tài chính, cắt lỗ có thể là biện pháp tối ưu được nhà đầu tư cá nhân lựa chọn và kịch bản xấu nhất là nhiều người sẽ bán khách sạn hoặc doanh nghiệp mất khả năng kinh doanh do không còn vốn dự phòng, không có dòng tiền hoạt động.
"Điều này nếu không được giải quyết sớm sẽ dẫn tới việc xáo trộn nguồn cung dài hạn, tác động nặng đến chuỗi cung ứng của ngành và giảm năng lực cạnh tranh của điểm đến khi thị trường phục hồi", ông nói.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho rằng có thể Covid-19 là một cột mốc để "sàng lọc" lại thị trường khách sạn tại địa phương. Những nhà đầu tư theo phong trào, đầu tư thiếu nghiên cứu thị trường hay chỉ "lướt sóng" sẽ khó trụ lại.
"Có những khách sạn 16-20 phòng mà đầu tư đến 30 tỉ đồng thì không thể thu hồi. Một con đường hẻm nhỏ, xe cộ không vào được mà xây khách sạn thì làm sao mà cạnh tranh được với khách sạn ở vị trí tốt hơn", ông nói.
Khánh Hòa hiện là một trong những địa phương có số lượng khách sạn nhiều nhất của cả nước, với khoảng 50.000 phòng. Vào năm ngoái, tỉnh đón khoảng 7,5 triệu lượt khách du lịch nhưng công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn không cao.
"Ngay cả khi lượng khách đến vẫn tăng trưởng đều, không bị Covid-19 ảnh hưởng thì tỉnh vẫn thừa phòng trong năm nay", ông Trung nói.
Theo ông, vào những dịp bình thường, công suất phòng bình quân của khối khách sạn 1-2 sao cũng chỉ đạt hơn 30%, khách sạn chưa gắn sao còn thấp hơn. Giá bán phòng rất thấp. Cùng tiêu chuẩn, giá phòng ở Hà Nội, TPHCM là 700.000 - 800.000 đồng/đêm phòng còn Khánh Hòa tuy là trung tâm du lịch nhưng giá chỉ chừng 300.000 đồng.
Hiện nay, khi khách du lịch suy giảm vì Covid-19, nhiều chủ đầu tư, trong đó phần lớn là chủ đầu tư khách sạn nhỏ và nhà nghỉ đang phải rao bán khách sạn.
Tuy nhiên, ông Phước của Outbox Consulting cho rằng, do suất đầu tư khách sạn ở các địa phương đã bị đẩy lên quá cao nên sẽ rất khó hấp dẫn những nhà đầu tư mới.