Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande đến Việt Nam và đoàn 50 DN nhỏ và vừa từ 5-7/9 được dự báo sẽ thúc đẩy quan hệ Việt – Pháp trên cả hai lĩnh vực ngoại giao và kinh tế.
Đây là chuyến thăm VN thứ ba của các Tổng thống Pháp, tiếp sau các chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 và 2004. Đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã ký tuyên bố về Quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 9/2013.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp. (Nguồn: Tổng Cục Thống kê)
Sức hút từ hai phía
Trả lời hãng thông tấn Pháp AFP trước thềm chuyến thăm VN của Tổng thống Pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, với khuôn khổ hợp tác mới, sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn, trong ba năm qua, chúng ta đã được chứng kiến những thành quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư đến khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục…
Pháp hiện là bạn hàng lớn thứ 5 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu và là một trong những nhà tài trợ ODA song phương hàng đầu cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại trong năm 2015 đạt 4,2 tỷ USD minh chứng rõ nét cho sự hợp tác phát triển giữa hai nước.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Pháp, hiện có khoảng 300 nhà đầu tư Pháp đang hiện diện tại VN và ở nhiều lĩnh vực cũng như quy mô, từ DN nhỏ đến DN lớn. Các doanh nghiệp Pháp và VN có thể bổ sung và tận dụng thế mạnh của nhau trong hợp tác, đầu tư.
Chẳng hạn, với những thế mạnh của mình, Pháp đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trên các phương diện: Lĩnh vực hàng không (50% xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam năm 2015), giao thông đô thị (các doanh nghiệp Pháp tham gia xây dựng các tuyến metro tại Hà Nội và TP HCM, Pháp đã tài trợ tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội) hay trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững…
Nói về sức hút của thị trường VN với các nhà đầu tư Pháp, bà Nguyễn Quỳnh Anh – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho rằng, có nhiều DN Pháp mong muốn đầu tư vào thị trường VN, rất nhiều lĩnh vực mà DN hai nước có thể hợp tác, đầu tư như: dược phẩm, thiết bị giao thông, công nghiệp, hóa mỹ phẩm, nông sản… Mặc dù Pháp là nước có nền nông nghiệp phát triển, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhận thấy có cơ hội xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Pháp, đặc biệt là các sản phẩm như gạo, chè và càphê. “Pháp có khoảng trên 30 triệu người sử dụng gạo hàng ngày và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam tìm được chỗ đứng của mình tại thị trường Pháp, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực” – bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Asean và Châu Âu
Trở lại chuyến thăm VN lần này của Tổng thống Pháp François Hollande, Đại sứ quán Pháp cho biết dự kiến có hơn 20 văn bản sẽ được ký kết trong chuyến thăm này, bao gồm các thỏa thuận tư pháp, các thỏa thuận khoa học và đại học, thỏa thuận trợ giúp phát triển – hỗ trợ kỹ thuật và thoả thuận về y tế mở đường cho sự hợp tác và đầu tư trong giai đoạn mới của cộng đồng DN hai nước. Cụ thể: Hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự và hiệp định về dẫn độ; Thỏa thuận hành chính về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật; Thỏa thuận của AFD về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình và Cần Thơ: Thỏa thuận liên quan tới khoản vay 52,5 triệu Euro và khoản viện trợ không hoàn lại 1 triệu Euro nhằm tài trợ cho các dự án chống nước biển dâng; Sự đóng góp ngày càng tăng của AFD cho chương trình hỗ trợ ngân sách ứng phó với Biến đổi khí hậu SPRCC (Support programme in response to Climate change) sẽ lên tới 100 triệu EUR trong năm 2016 và sẽ là 50 triệu EUR vào các năm 2017 và 2018; Hợp đồng cung cấp dịch vụ sẽ được ký giữa Airparif, hiệp hội kiểm tra chất lượng không khí của vùng Ile de France và UBND thành phố Hà Nội; Hợp đồng giữa Expertise France và DUE/SECO hỗ trợ SAV (Kiểm toán Nhà nước), liên quan tới tăng cường năng lực của kiểm toán Nhà nước Việt Nam về minh bạch, quản lý kế toán và giám sát các hoạt động quản lý tài chính công…
Trước thềm chuyến thăm, Đại diện Đại sứ quán Pháp cho biết, hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu của Pháp trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, Hiệp định trao đổi Tự do EU-Việt Nam, có hiệu lực vào năm 2018, sẽ tạo nên những cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp 2 bên. Khi đó, Việt Nam sẽ là cánh cửa quan trọng để doanh nghiệp Pháp vào làm ăn kinh doanh với cả khối ASEAN, và ngược lại thông qua thị trường Pháp, hàng hóa VN sẽ thâm nhập dễ dàng vào thị trường châu Âu. Chừng đó lý do là đủ để người ta tin rằng sẽ có một làn sóng đầu tư từ Pháp vào VN trong giai đoạn sắp tới.
Quốc Anh / DĐDN